2018 - Niềm vui xen lẫn nỗi lo

(ĐTTCO) - Năm 2017 qua đi với những tín hiệu tích cực của kinh tế thế giới, đặt ra kỳ vọng về kinh tế toàn cầu 2018 khởi sắc. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định vẫn còn đó không ít những thách thức cho kinh tế thế giới. 
 
Kinh tế bắt đầu hồi phục
Theo tờ Wall Street Journal, năm 2017 kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, nhu cầu thị trường quốc tế đảo chiều đi lên. Sau khi theo dõi tình hình kinh tế 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra kết luận các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2017 tăng trưởng dương, điều hiếm thấy trong 50 năm qua.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí dự báo nếu căn cứ vào sự thúc đẩy đúng quy trình cơ bản, dự báo của kinh tế toàn cầu từ năm 2018-2022 sẽ tăng trưởng lên tới 3,73%, cao hơn tốc độ tăng trưởng 3,33% trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2017 và 3,48% trong giai đoạn 1980-2017. Do đó, các học giả còn giữ thái độ lạc quan thận trọng đối với xu hướng kinh tế vào đầu năm 2017, đến cuối năm đa số trở nên khá lạc quan. 
Theo giới quan sát, tăng trưởng kinh tế thế giới hay quản lý kinh tế toàn cầu đều không thể tách rời vai trò 2 hạt nhân giữ ổn định của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo thống kê, là 2 nền kinh tế lớn nhất và ổn định nhất thế giới, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc và Hoa Kỳ vào sự phục hồi kinh tế thế giới năm 2018 sẽ chiếm tới 42,45%, cao hơn mức 35,86% bình quân trong lịch sử và 42,13% trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, trong đó tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc có hy vọng lên tới 32,91%.
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng cao vào Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng thái độ đối với 2 nước lại rất khác nhau. Họ lo ngại Hoa Kỳ trở mặt với những chính sách của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Trung Quốc đã phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng.
Từ năm 2013-2016, tỷ lệ đóng góp bình quân của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới là 31,6%, vượt qua tỷ lệ đóng góp của Hoa Kỳ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản cộng lại. Trung Quốc sử dụng khẩu hiệu “cùng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” để dẫn dắt cải cách hệ thống quản lý kinh tế thế giới, tuyên truyền mạnh mẽ ý tưởng quản lý toàn cầu “cùng bàn bạc, cùng xây dựng và cùng hưởng lợi”.
Với Nhật Bản, GDP nước này được dự báo sẽ tăng 1,2% trong năm 2018. Xuất khẩu là nhân tố đầu tiên mang tới sự phục hồi này, được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và đồng yên yếu. Đứng đầu là xuất khẩu xe tải và đồ điện sang Hoa Kỳ và khu vực Đông Nam Á tăng mạnh. Trong thời điểm đầu tư của doanh nghiệp giảm xuống một chút, chi tiêu của hộ gia đình và cá nhân không tăng, với tình hình kinh tế nước ngoài mạnh mẽ, xuất khẩu sẽ phát triển theo hướng tích cực. Đầu tư được tăng để tăng năng suất và đối phó với tình hình chi phí luôn gia tăng thông qua tự động hóa quá trình sản xuất. 
Một tin vui nữa cho nền kinh tế thế giới đó là kinh tế châu Âu thể hiện xu thế phục hồi liên tục, dự báo xu thế này vẫn có thể duy trì trong năm 2018. Lần phục hồi kinh tế này chủ yếu là sự tác động của nhu cầu trong nước, do tỷ lệ thất nghiệp của nhiều nước châu Âu giảm mạnh nên nhu cầu trong nước tăng lên.
2018 - Niềm vui xen lẫn nỗi lo ảnh 1 Dự báo kinh tế châu Âu tiếp tục xu hướng phục hồi, nhu cầu tiêud ùng tăng. 
Nỗi lo thất nghiệp tăng
Vấn đề thất nghiệp trên thế giới hiện nay rất nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát thấp, thu nhập thấp đã hạn chế gia tăng nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt tình trạng già hóa dân số ở các nước phát triển gia tăng, việc nâng cấp lực lượng sản xuất chậm. Các bước đi thắt chặt tiền tệ được đẩy nhanh, nhiệm vụ củng cố ngân sách khó khăn, phải nhanh thông qua cải thiện nguồn cung để khai phá tiềm năng tăng trưởng.
Kinh tế các nước đang phát triển vẫn thể hiện tình trạng phân hóa, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á vẫn ổn định, kinh tế các nước xuất khẩu năng lượng tiếp tục không sáng sủa, dòng tiền đầu tư nước ngoài vào một số nền kinh tế mới nổi giảm bớt, rủi ro phá giá đồng tiền gia tăng. Có thể thấy, nếu nền kinh tế thế giới muốn tiến vào chu kỳ tăng trưởng ổn định mới trước hết được quyết định bởi đẩy nhanh cải cách cơ cấu kinh tế trên cơ sở củng cố thành quả phục hồi mang tính chu kỳ, giải quyết mâu thuẫn sâu sắc hạn chế sự phát triển. 
Trong tình hình cạnh tranh sản xuất mới trên thế giới ngày càng quyết liệt, trào lưu tư tưởng đảo ngược toàn cầu hóa có thể tiếp tục trỗi dậy, những dấu vết của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đầu tư lại lan tràn. IMF cho rằng để duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới, các nhà hoạch định chính sách cần tránh giải pháp bảo hộ và nỗ lực đảm bảo cho nhiều người được hưởng lợi hơn từ tăng trưởng kinh tế. 

Cảnh báo nợ công cao
Trong khi đó, tờ Les Echos của Pháp cảnh báo chưa bao giờ mức nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ gia đình lại đạt mức cao như vậy. IMF và OECD cảnh báo nếu Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) không xét lại chính sách kinh tế của mình, một khủng hoảng lớn rất có thể sẽ bùng phát. Trong khoảng một thập niên (2006-2016), tổng số nợ đã tăng từ 234% lên 275% GDP toàn cầu. Chỉ riêng nợ của các gia đình những quốc gia giàu tăng từ 52% (năm 2008) lên 63% vào năm ngoái, có nghĩa xấp xỉ mức 65%. Đây là mức theo IMF khả năng bùng phát khủng hoảng rất cao.
Nhà kinh tế Patrick Artus của hãng Netixis điểm mặt thủ phạm trực tiếp của tình trạng này do giá cổ phiếu, bất động sản, tỷ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp… leo thang không ngừng. Đứng sau tình trạng này là ngân hàng trung ương và lãnh đạo của G7. Hàng núi tiền mặt đã được rót vào hệ thống tài chính toàn cầu, chủ yếu thông qua việc bán trái phiếu chính phủ (chính sách nói trên bị lên án là vô trách nhiệm, kể cả trong lĩnh vực tiền tệ, kinh tế vĩ mô, cũng như về khí hậu hay quốc phòng).
Les Echos nhấn mạnh các nhà lãnh đạo đã không tiến hành các cải cách cấu trúc cần thiết để khôi phục tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm và giảm bớt bình đẳng, mà chủ trương dùng chính sách tiền tệ làm công cụ chủ yếu. Cựu trợ lý thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Herve Hannoun khẳng định đây là một hành động tự sát. Hiện nay, đông đảo dân chúng tại các nước phát triển đều có cảm tưởng đang sống trong “thế giới kỳ diệu của nàng Alice” mà không hiểu rằng đang trên một bong bóng nợ khổng lồ ngày một phồng lên và đe dọa nổ tung một ngày không xa.
Nhà kinh tế Patrick Artus nêu ra 2 thí dụ của tình trạng tài chính phi lý hiện nay. Thứ nhất, tình trạng lãi suất âm, nhiều chính phủ các nước châu Âu được trả tiền để vay thêm các khoản tiền mới. Đây là nguồn gốc của tình trạng nợ công tăng vọt tại một số nước (từ năm 2008-2016, nợ công Pháp tăng từ 68% lên 96% GDP; Đức từ 65% lên 68%). Thứ hai, về phía các doanh nghiệp, lãi suất tiền vay quá thấp, khiến nhiều doanh nghiệp vay tiền để mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư sản xuất. Khủng hoảng sẽ xảy ra khi lạm phát trở lại, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất trở lại, với hệ quả là các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn về tài chính. 
 Tăng trưởng toàn cầu đã thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán tăng trưởng 3% trong năm nay, cao hơn mức dự đoán 2,8% mà Conference Board đưa ra năm trước, và tốc độ 3% này có thể được duy trì cho đến hết năm 2018. Vai trò ngày càng lớn của các nhân tố tăng trưởng về chất - gồm kỹ năng của lực lượng lao động được cải thiện, tiến trình số hóa, và đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn - có thể đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty phát triển trong thập niên tới.
Ông Bart van Ark, Kinh tế trưởng Conference Board trụ sở tại New York

Các tin khác