Bộ GTVT cho biết, theo quy định pháp luật đường sắt hiện hành, niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách không quá 40 năm; đối với toa xe chở hàng không quá 45 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn trong đầu tư phương tiện mới thay thế.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương tiện, đặc biệt là các đầu máy sử dụng động cơ diesel để thay thế phương tiện hết niên hạn chỉ có thể sử dụng đến năm 2050 (theo cam kết của Việt Nam về sử dụng năng lượng xanh) là không hiệu quả.
Bộ GTVT cũng khẳng định, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng không ghi nhận sự cố kỹ thuật nào về đầu máy, toa xe do ảnh hưởng của thời gian. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về niên hạn đối với phương tiện đường sắt, chỉ yêu cầu có chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Bộ GTVT cho biết, hiện các doanh nghiệp đường sắt đang khai thác 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng. Nếu không sửa quy định về niên hạn, đến ngày 31-12-2025, sẽ có 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách phải dừng hoạt động. Số vốn cần có để thay mới số phương tiện này lên tới 6.800 tỷ đồng.