Thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy, 92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số. Nhưng 90% doanh nghiệp chưa hiểu và 78% không biết bắt đầu từ đâu.
Chuyển đổi số thiếu hiệu quả do chạy theo trào lưu
Theo ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn và Triển khai Chuyển đổi số miền Bắc của Base, thống kê của VCCI cũng biết, 70% ngân sách cho chuyển đổi số bị lãng phí. Nguyên do một phần do các doanh nghiệp chưa thực sự hiểu chuyển đổi số là gì và để làm gì, chỉ chạy theo trào lưu, dẫn tới triển khai không hiệu quả.
“Giống như chúng ta muốn làm cái gì đó, nhưng không biết nó là gì. Có thể chúng ta đang chạy theo xu hướng mà thực sự không biết chúng ta cần gì”, ông Thành nhận định.
Là nhà cung cấp dịch vụ quản trị vận hành cho rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, ông Thành cũng thừa nhận không phải tất cả đều thành công. Thậm chí có khoảng 20% khách hàng của Base chưa đạt được mục tiêu khi chuyển đổi số.
“Có hai nguyên nhân lớn và thường gặp nhiều nhất dẫn tới việc chuyển đổi số chưa thành công. Chiếm 30% là lãnh đạo thiếu quyết liệt và những nhóm tiên phong trong đơn vị chưa sẵn sàng chuyển đổi số. Những nguyên nhân khác là khả năng quản trị sự thay đổi, kỳ vọng sai về chuyển đổi số, hoặc gặp vấn đề về khả năng cải tiến quy trình”, ông Thành cho hay.
Từ thực tế đó, chuyên gia khuyến nghị vấn đề chuyển đổi số cần sự thay đổi lớn về cả tư duy và con người trong tổ chức.
“Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ. Không bao giờ nên bắt đầu bằng việc tìm một phần mềm và coi đó là áp dụng công nghệ. Yếu tố về con người, tư duy mới là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số”, ông Thành nhấn mạnh.
Hãy biến không thành có trước, rồi mới tối ưu sau
Có bốn đúc kết từ kinh nghiệm của Base, đó là cần sự quyết liệt từ ban lãnh đạo, trong đó cần mục tiêu rõ ràng và coi chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm. Ngoài ra, tổ chức phải lựa chọn được đúng thành viên cho đội ngũ tiên phong về chuyển đổi số, truyền thông nội bộ thường xuyên về chiến lược của mình, đồng thời bắt đầu chuyển đổi từ những tính năng, quy trình dễ trước khi áp dụng ra quy mô lớn.
“Hãy biến không thành có trước, rồi mới tối ưu sau”, ông Thành chỉ rõ.
Theo giới chuyên gia, quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra thách thức cũng như cơ hội, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cũng bày tỏ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin, mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.
“Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm về”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nêu rõ.
Ông Bùi Thế Duy cũng cho biết, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia có nhiều tiêu chí liên quan về phát triển xanh, phát triển bền vững, cũng như có các điều khoản thành lập các cơ quan liên quan đến chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ KH&CN kỳ vọng vào các giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng như góc nhìn, bài học kinh nghiệm và chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời mong muốn sự kiện tạo ra nhiều kết nối, nhiều chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến các địa phương.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.