3 ông lớn công nghệ Việt đầu tư ra nước ngoài

(ĐTTC) - Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lũy kế đến tháng 4-2015, Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 20 tỷ USD. Các dự án đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước cả về thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư, đặc biệt với nhóm ngành công nghệ, viễn thông. Trong đó mỗi ông lớn lại chọn cho mình một con đường riêng để ra biển lớn.

(ĐTTC) - Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lũy kế đến tháng 4-2015, Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 20 tỷ USD. Các dự án đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước cả về thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư, đặc biệt với nhóm ngành công nghệ, viễn thông. Trong đó mỗi ông lớn lại chọn cho mình một con đường riêng để ra biển lớn.

FPT với lợi thế công nghệ và kinh nghiệm

Trong 5 năm gần đây (2011-2014), doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng trưởng 44% so với cùng kỳ, đạt 2.118 tỷ đồng, tương đương 98 triệu USD. Dự kiến năm 2015, con số này vượt mốc 200 triệu USD và mục tiêu tiếp theo là 1 tỷ USD vào năm 2020.

Chiến lược toàn cầu hóa của FPT được triển khai tại thị trường các nước phát triển và đang phát triển. Tại thị trường các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu với thế mạnh công nghệ và lượng khách hàng hiện có, FPT tập trung cung cấp dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) dựa trên các nền tảng công nghệ mới Cloud, Mobility, Big Data. Theo Báo cáo dự báo dịch vụ CNTT toàn cầu của Gartner, trong năm 2015, tổng mức chi cho CNTT thế giới ước tính 980 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu là 3 thị trường có mức chi nhiều nhất, chiếm khoảng gầ 80%. Đây là cơ hội lớn cho các DN cung cấp dịch vụ CNTT như FPT.

FPT thực hiện toàn cầu hóa bằng Công nghệ và kinh nghiệm.
FPT thực hiện toàn cầu hóa bằng Công nghệ và kinh nghiệm.

Tại các quốc gia đang phát triển, FPT đang khá thành công tại Bangladesh, Campuchia hay Myanmar. Đó là việc trúng thầu nhiều dự án triệu USD như “Cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho Cơ quan Thuế Bangladesh", tổng trị giá 6,6 triệu USD do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ; Hệ thống thông tin quản lý tài chính cho Kho bạc Nhà nước Campuchia giá trị gần 10 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mới đây, FPT cũng đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giành được tấm vé triển khai hạ tầng viễn thông tại Myanmar – thị trường được mệnh danh “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình từng chia sẻ: “Điểm mạnh của FPT là kinh nghiệm. Tuy là nhà đầu tư nước ngoài nhưng nhờ kinh nghiệm thành công tại nhiều thị trường tương tự như Lào, Campuchia, FPT hoàn toàn thấu hiểu những điều thị trường nội địa cần. Với việc hiện diện tại 19 quốc gia và nhiều dấu mốc quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa vừa qua FPT đang dần ghi tên của Việt Nam nói chung, và tập đoàn nói riêng trên bản đồ công nghệ thế giới".

Viettel với lợi thế kỹ thuật và kinh doanh

Quan điểm đầu tư ra nước ngoài của Viettel khá rõ ràng. Đó là chiến lược “kỹ thuật đi trước, kinh doanh theo sau”. Nghĩa là Viettel sẽ đầu tư hạ tầng riêng của mình ở quốc gia đó hoặc có thể mua lại hạ tầng của doanh nghiệp khác và đầu tư thêm - làm chủ về hạ tầng mạng lưới để phát triển kinh doanh dịch vụ, chứ không liên doanh liên kết với nhà mạng khác để khai thác dịch vụ. Chiến thuật này đã thể hiện rõ tại các bước đi của tập đoàn này, khi liên tiếp mua lại giấy phép, cùng với hệ thống và cơ sở hạ tầng của các công ty địa phương. Chẳng hạn, hồi tháng 3-2015, tâp đoàn này đã mua lại giấy phép, hệ thống trạm phát và cơ sở hạ tầng của Công ty Viễn thông Beeline, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ tư tại Campuchia.

Tại Mozambique, Viettel đã liên doanh với thương hiệu Movitel. Tại đây, Viettel cũng dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia châu Phi này với 12.600km cáp quang, đóng góp 70% hạ tầng cáp quang của toàn Mozambique. Tại Tanzania, Viettel đầu tư theo hình thức mua lại 65% cổ phần của Công ty Epocha & Golden Ocean Tanzania Limited (Egotel) với tổng số tiền 18,05 triệu USD.

Bên cạnh đó, với việc đầu tư ở nước ngoài, tập đoàn này chỉ bỏ dưới 50% số vốn trong nước đi đầu tư, còn lại hơn 50% là Viettel tự đi vay ngân hàng tại những quốc gia đầu tư và nợ tiền từ các nhà cung cấp thiết bị, sau đó có lợi nhuận sẽ khấu hao, trừ nợ dần. Không chỉ có thế, tập đoàn này cũng biết cách tận dụng cơ sở hạ tầng cũ để nâng cấp và làm mới dịch vụ. Chình vì thế Viettel từng khá thành công trên mỗi bước đi thời gian qua. Đến nay, Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia, chủ yếu cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thị trường đang phát triển tại châu Á và châu Phi, như Campuchia, Lào, Haiiti, Mozambique.

VNPT và hướng đi hợp tác đầu tư

Trong khi đó, thời kỳ  đầu, VNPT cho biết sẽ không đi theo hướng đầu tư mạng lưới hạ tầng như của Viettel mà chọn hướng hợp tác và đầu tư. Cụ thể, tập đoàn này sẽ hợp tác với nhà khai thác mạng lớn tại các quốc gia thông qua việc góp vốn, công nghệ, dịch vụ. Nhưng nay, chiến lược ban đầu của VNPT ít nhiều đã thay đổi. Hiện nay, ngoài hợp tác đầu tư, tập đoàn này đã mở rộng hướng đi ra nước ngoài là tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh quốc tế hiện có như liên kết mạng lưới kinh doanh lưu lượng, cho thuê hạ tầng, kinh doanh dịch vụ thông tin vệ tinh trong khu vực; đầu tư hạ tầng và dịch vụ vào các nước đang phát triển; cung cấp sản phẩm công nghiệp ra thị trường ngoài nước…

Hiện VNPT đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở một số thị trường nước ngoài như Myanmar, Campuchia, Lào, Cuba. để phát triển các dịch vụ viễn thông - CNTT. VNPT đang xây dựng đề án thành lập CTCP Kinh doanh và đầu tư quốc tế tại Hồng Công. Năm 2014, VNPT đã thành lập văn phòng đại diện tại Campuchia (tháng 7/2014), Myanmar (tháng 10/2014) và Lào (tháng 12/2014).

Việc đưa các văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar và Lào vào hoạt động đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc vươn ra thị trường khu vực và quốc tế của VNPT, tạo cơ sở để Tập đoàn chuẩn bị các bước tiếp theo cho việc đầu tư kinh doanh tại các nước trên. Đáng chú ý, các dịch vụ điện thoại quốc tế, thuê mua dung lượng Internet quốc tế, kinh doanh, bán hàng dịch vụ phi thoại tại Campuchia, Lào, Myanmar… đã mang lại doanh thu đáng kể cho VNPT.

Các tin khác