Trong khi hơn 90% số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại các nước như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào nguyên liệu, thiết bị sản xuất trong nước thì ở Việt Nam, con số này vẫn còn hạn chế.
Làm thế nào để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có thể tham gia cung ứng vào chuỗi sản xuất toàn cầu vẫn là bài toán nan giải.
Thiếu năng lực cạnh tranh
Theo ông Đào Phan Long, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, khả năng tham gia cạnh tranh để vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn, doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế. Điểm nghẽn ở đây phải thừa nhận là do chất lượng cũng như năng lực của đa số nhà cung cấp nội địa chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, địa phương đã có nhiều cuộc kết nối, đào tạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn quốc tế và đem lại nhiều kết quả khả quan, song ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn những điểm yếu, nằm trong phân khúc sản xuất đem lại giá trị gia tăng thấp, ông Long cho hay.
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết dù môi trường đầu tư đã được cải thiện, nhưng thực tế các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ôtô, cơ khí; trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai.
Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế là do chi phí sản xuất cao, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công mà thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao…
Theo các chuyên gia, trên thực tế, các cuộc công nghiệp đã đi qua, nhưng chúng ta chưa nắm bắt, đón đầu được. Đơn cử như công nghệ số, robot, sản xuất chip, điện mặt trời, điện gió.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư về sản xuất chip, năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi... nhưng nhìn lại năng lực trong nước, chúng ta chưa chủ động và sẵn sàng để tự chủ được khâu nào trong rất nhiều công đoạn sản xuất.
Đơn cử như về sản xuất chip, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đã khi nào ngồi bàn xem cần gì, làm gì để đón đầu? Chúng ta cần đào tạo nhân lực và doanh nghiệp Việt làm được gì trong chuỗi sản xuất này? Có sự chuẩn bị tốt, khi các tập đoàn quốc tế vào chúng ta mới sẵn sàng để tham gia cung ứng cho họ, ông Lực cho biết.
Cần cơ chế hỗ trợ
Với thế mạnh là tình hình chính trị rất ổn định và lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận được trào lưu chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), có không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các doanh nghiệp đối tác và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Vấn đề là cần nhiều hơn sự kết nối với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý; trong đó vai trò quan trọng nằm ở các hiệp hội ngành nghề.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo ông Vân, việc tham gia các hiệp hội sẽ giúp các doanh nghiệp hội viên kết nối với nhau cũng như tạo được nhiều chương trình quảng bá, kết nối doanh nghiệp hội viên với những đối tác trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường… trong đó, các kế hoạch về quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ phải gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chính sách hợp lý…
Các cơ quan quản lý cũng cần có hỗ trợ về năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Để giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau.
Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi thế doanh nghiệp.
Cục Công nghiệp đang đẩy nhanh xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Nam.
Hai trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hỗ trợ và khuyến khích các địa phương xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp tại các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp.
Từ đó, các trung tâm sẽ hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon... nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này,” đại diện Cục Công nghiệp cho hay.