Theo tổng hợp của Bộ Y tế đến ngày 22-10, tất cả các tỉnh thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch bệnh Covid-19. Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành đã đánh giá cấp độ dịch theo phạm vi ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã.
Theo đó, cả nước có 26 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới), gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
37 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). Gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Thuế, Tiền Giang, TP.HCM, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
Cả nước không có địa phương ở cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn có 14 huyện, 98 phường/xã thuộc vùng cam; 2 huyện (ở Quảng Nam, Thanh Hóa) và 37 phường, xã thuộc vùng đỏ.
Cả nước có 372 huyện xanh; 6.946 xã xanh; 287 huyện vàng; 2.790 xã vàng.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 TP thuộc cấp độ 1, là Hà Nội và Hải Phòng. Ba thành phố còn lại, gồm TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là vùng vàng, thuộc cấp độ 2.
Tất cả 63 tỉnh thành đã công bố cấp độ dịch Covid-19 và không có tỉnh nào ở cấp đổ 3 và 4, tuy nhiên, có 37 phường, xã thuộc vùng đỏ - cấp độ 4, thuộc nguy cơ rất cao. |
Trước đó, ngày 11-10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết, có 4 cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ tiêm vaccine năng lực y tế.
Các tỉnh, thành cấp 1, các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm: Vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...
Bộ Y tế nhận định, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm, cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn".
Đến tối 21/10, Việt Nam có 877.537 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).
Trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), ghi nhận 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số mắc cao là TPHCM với 422.201 bệnh nhân, Bình Dương 227.328 bệnh nhân, Đồng Nai 60.081 bệnh nhân, Long An có 33.999 bệnh nhân, Tiền Giang 15.331 bệnh nhân.
Đến chiều 22-10, cả nước đã tiêm được trên 71 triệu liều vaccine phòng Covid-19; trong đó ngày 21-10 tiêm 1.537.841 liều vaccine. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là khoảng 70%, và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là hơn 27% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Các những tỉnh, thành đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 cao trên 95% là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh…
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (85,3%), TP HCM (76,8%), Quảng Ninh (63,7%), Hà Nội (53,7%) và Bình Dương (56,6%).
Hiện có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp nhất là Đắk Lắk với 18,6% người trên 18 tuổi tiêm 1 liều, Nam Định mới có 27,5%, Gia Lai có 28,6%, Thanh Hóa đạt 31,9% và Quảng Bình đạt 33,2% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1.