7 giải pháp phát triển Củ Chi trở thành vành đai xanh của TPHCM

(ĐTTCO)-Tại Hội thảo khoa học Định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã gửi tham luận tới hội thảo, cho rằng Củ Chi phải được xác định đầu tư phát triển thành “đô thị xanh”, “đô thị sinh thái”. ĐTTC xin trích đăng những ý trên.
7 giải pháp phát triển Củ Chi trở thành vành đai xanh của TPHCM ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Trong quá trình phát triển đô thị, thực tiễn cho thấy các thành phố luôn đứng trước lựa chọn loại bỏ hay phát triển chính sách vành đai xanh vì các lợi ích đô thị, môi trường và thẩm mỹ. Và kết quả là cần thiết phải duy trì việc thực hiện vành đai xanh song song với thay đổi linh hoạt trong chính sách để phù hợp với quá trình phát triển đô thị.
Củ Chi là huyện ngoại thành, nằm ở phía Tây Bắc của TPHCM, gồm 20 xã và một thị trấn với 43.477,18 ha diện tích tự nhiên (bằng 20,74% diện tích toàn TPHCM) và dân số thời điểm ngày 31-12-2021 là 527.206 người. Củ Chi là vùng chuyển tiếp giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam bộ, địa giới hành chính của huyện phía Bắc giáp thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, phía Nam giáp huyện Hóc Môn và phía Tây giáp tỉnh Long An.
Để phát huy hết lợi ích của vành đai xanh trong tổng thể tiềm năng, lợi thế phát triển của Củ Chi và phát triển Củ Chi trở thành vành đai xanh của TPHCM trong sự phát triển liên kết vùng cần một số giải pháp phát triển đô thị xanh, bền vững có thể được xem xét và vận dụng: Thứ nhất, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM, cũng như quy hoạch sử dụng đất huyện Củ Chi cần nhất quán vai trò và sự phát triển của vành đai xanh.
Địa phương phải luôn đáp ứng yêu cầu tạo ra các không gian công viên cây xanh tại các cửa ra vào của khu dân cư, bảo vệ các khu vực nông nghiệp và các khu vực có năng suất cao, bảo tồn các giá trị văn hóa và di sản, thúc đẩy các hoạt động phù hợp với bảo vệ môi trường và phát triển, cho phép một kết nối chặt chẽ hơn giữa các khu vực nông thôn, đô thị và ngoại thành, duy trì sự ổn định của các làng nghề hiện có và phát triển du lịch sinh thái tại địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược…
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, hiệu quả với nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị. Đồng thời thực hiện trồng và tăng diện tích bao phủ cây xanh trên tổng diện tích tự nhiên tại trường học, khu vực công cộng, các tuyến đường giao thông nông thôn, ven sông rạch.
Thứ ba, trong dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng quỹ đất phục vụ mảng xanh.
Thứ tư, việc xây dựng, phát triển khu dân cư trên địa bàn Củ Chi phải quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt chú trọng đến bố trí sân, vườn, cảnh quan, đảm bảo chất lượng môi trường ở. Cải tạo vườn tạp trong các lô đất của hộ gia đình, đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, đồng thời tạo môi trường sinh thái khu vực.
Thứ năm, giữ gìn và khôi phục không gian mặt nước, bao gồm hệ thống sông, ao hồ, đầm nước, cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí.
Thứ thứ sáu, nhanh chóng triển khai cao tốc An Sương đi Mộc Bài, đường Vành đai 3 sớm kết nối Củ Chi, Hóc Môn với phía Đông TP. HCM và tỉnh Đồng Nai, tháo gỡ nút thắt lớn nhất của Củ Chi là giao thông, khi các tuyến đường tại Củ Chi phần lớn là đường nhỏ. Đồng thời quan tâm phát triển đường ven sông Đồng Nai từ TPHCM lên Củ Chi, Tây Ninh, vừa giảm thời gian lưu thông, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái.
Thứ bảy, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu đô thị Tây Bắc Thành phố, dự án Thảo cầm viên Sài Gòn - Sài Gòn Safari sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao mặt bằng mức sống dân cư, phát triển môi trường sinh thái Thành phố. Chuẩn bị kỹ lưỡng, sớm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các tập đoàn lớn cho sự phát triển của Củ Chi.
Để xây dựng thành công Củ Chi trở thành vành đai xanh của TPHCM, cần có sự quan tâm của hệ thống chính quyền từ xã, thị trấn của Huyện Củ Chi, đến các quận huyện lân cận, lãnh đạo thành phố đối với việc triển khai thực hiện nội dung định hướng phát triển Vành đai xanh theo Quy hoạch chung TPHCM.
Sự phối kết hợp đa ngành, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý là cần thiết để đảm bảo sự hài hòa với tầm nhìn dài hạn của TPHCM, trong đó công tác dự báo chính xác, quản lý hiệu quả cả khu vực vành đai xanh và khu vực bên ngoài vành đai xanh, đảm bảo phát triển hài hòa tổng thể đô thị TPHCM.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia phát triển đô thị xanh, người dân có cơ hội tham gia các hoạt động môi truờng và các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức, cũng như ban hành một số chính sách hợp lý hỗ trợ hỗ trợ cho nguời dân sống trên địa bàn để khuyến khích phát triển không gian xanh.
Ngoài ra, để hiện thực hóa những giải pháp xây dựng vành đai xanh, khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan cần nghiên cứu và luật hóa khái niệm, phạm vi áp dụng vành đai xanh cho các đô thị phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Các tin khác