Ngày 30-6, chợ Bình Thới - nơi ban quản lý chợ thực hiện phát thẻ đi chợ cho người dân tại TPHCM, đã phải tạm đóng cửa, do liên quan ca mắc Covid-19.
Ghi nhận trước đó cho thấy, một lối vào chợ có đặt bảng “khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh”, nhằm hạn chế người lưu thông. Hiện 2 đầu ra vào chợ đã được lập chốt kiểm soát.
Thông tin từ lãnh đạo phường 10, quận 11 cho biết, có một trường hợp mắc Covid-19 từng đến chợ Bình Thới phụ bán hàng ngày 25-6. Hộ kinh doanh đã tạm nghỉ từ ngày 27-6, khi xác định người này thuộc diện F1. Và phường đã tạm đóng cửa chợ để khử khuẩn và điều tra dịch tễ khi F1 này được xác định dương tính.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo phường, chợ Bình Thới thực hiện phát thẻ đi chợ từ khi Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nhằm điều tiết, hạn chế người vào bên trong mua sắm, đảm bảo không quá 200 người đi chợ cùng lúc. Do đó, khi phát hiện ca mắc Covid-19, ban quản lý chợ sẽ trích xuất thông tin người đi chợ, cũng như tiểu thương, để thông báo, liên hệ cơ quan y tế gần nhất để khai báo, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Tính đến nay, rất nhiều chợ truyền thống tại nhiều quận, huyện của TPHCM đã phải tạm đóng cửa, do liên quan các trường hợp mắc Covid-19 là tiểu thương hoặc F0 đi mua hàng.
Danh sách các chợ đang tạm đóng cửa để thực hiện các biện pháp dập dịch có chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hòa Hưng, chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Tam Bình, Tam Bình (TP Thủ Đức)…
Hôm 29/6, khu vực rau củ quả, thủy hải sản tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng phải tạm đóng.
Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết đến nay, thành phố đang có khoảng 70 chợ truyền thống trong số 234 chợ phải tạm ngưng hoạt động, do xuất hiện ca mắc Covid-19 hoặc liên quan ca mắc Covid-19. Trong số các chợ phải đóng cửa này còn có những chợ không đảm bảo phòng chống dịch.
Sở Công Thương TPHCM cũng yêu cầu các chợ căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án, như: Phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí…
Hiện chỉ còn tiểu thương ngành hàng thực phẩm, hàng thiết yếu, ăn uống tại chợ được hoạt động, tận dụng không gian của các sạp nghỉ để giãn cách. Các gian hàng kinh doanh ngành không thiết yếu phải tạm dừng.
Ban quản lý chợ cũng được yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn. Phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ để tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính, nhằm đảm bảo việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ.
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là có nhiều ca mắc tại chợ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các chợ truyền thống phải thực hiện giãn cách, thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y tế. Ông cũng nhấn mạnh chợ truyền thống nào không thực hiện nghiêm túc thì dừng hoạt động.