Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so cùng kỳ (9 tháng đầu năm 2019 tăng 12,9%; 9 tháng đầu năm 2020 tăng 10,0%; 9 tháng đầu năm 2021 giảm 13,3%).
Doanh thu các nhóm hàng trong 9 tháng năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ như: Hàng may mặc (ước đạt 33.238 tỷ đồng, tăng 37,4%); Lương thực, thực phẩm (ước đạt 83.109 tỷ đồng, tăng 11,4%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (ước đạt 8.244 tỷ đồng, tăng 54,3%); Gỗ và vật liệu xây dựng (ước đạt 11.152 tỷ đồng, tăng 33,4%); Ô tô các loại (ước đạt 19.790 tỷ đồng, tăng 26,4%),…
Các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Thành phố đã khôi phục hoạt động 223 chợ, 3 chợ đầu mối, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 3.012 cửa hàng tiện lợi.
Nhìn chung, tình hình thị trường trên địa bàn TP khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh thành, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình sản xuất cung ứng và thị trường tiêu thụ; hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa có sức chịu đựng, thích ứng, linh hoạt cao trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và tác động khác (xung đột vũ trang, chiến tranh Nga - Ucraina, giá cả nguyên vật liệu tăng,…).
Song song đó, Sở cũng triển khai các chương trình, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, triển khai hiệu quả hoạt động các Hội đồng ngành, kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp...