Bởi lẽ, dù không được chỉ đạo hay học hành qua trường lớp, chúng tôi luôn ý thức rằng mình đang mang trọng trách rất lớn là đại diện Báo SGGP để nghe ý kiến bạn đọc.
1. Được thiết lập hơn 15 năm nay, ĐDN Báo Sài Gòn Giải Phóng trở thành nơi bạn đọc phản ánh, đề xuất với báo nhiều vấn đề về chủ trương, chính sách, an sinh xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển TPHCM…
Thông qua ĐDN, bạn đọc cũng góp ý với báo về cách trình bài, câu chữ, kể cả lỗi chính tả trên mặt báo, giúp tờ báo ngày càng chỉn chu để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Bạn đọc cũng gọi đến đường dây nóng để thông tin về các vấn đề an ninh trật tự - xã hội như ùn tắc giao thông, ngập nước, cây đổ, rác thải bủa vây…
Nhưng không chỉ có vậy, hàng ngày, ĐDN Báo SGGP nhận rất nhiều cuộc gọi, với đủ các thắc mắc, tâm sự lẫn cần tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình. Dù không phải là chuyên gia tâm lý, nhưng nhân viên trực ĐDN luôn mềm mỏng chia sẻ, động viên, hướng dẫn nên hầu hết các câu chuyện của bạn đọc đều được giải quyết thỏa đáng.
Thùy Dương, nhân viên tiếp bạn đọc, kể: “Chiều đó, gần hết giờ làm việc, có một chú đến yêu cầu Báo SGGP hỗ trợ làm thủ tục ly hôn! Nghe đến đó, tôi lật đật đi rót nước mời chú uống “hạ hỏa”. Mặc dù có thể hướng dẫn chú đi gặp luật sư hay đến tòa án, nhưng mình không được phép từ chối và phải lắng nghe xem sao”.
Sau khi nghe chú ấy nói ra những bực bội trong cuộc sống vợ chồng, Thùy Dương đã dành thời gian động viên bạn đọc: “Chú ở tiền tuyến gian lao, cô cũng là hậu phương vững chắc. Bao nhiêu năm trời, cô thay mặt chú dành hết thời gian dưỡng dục, nuôi dạy các anh, chị trưởng thành và có danh phận với xã hội rồi. Người cao tuổi cũng có một số thay đổi nhất định. Nhiều lúc bực bội gì đó cô có cáu gắt, nhưng như vậy là còn thương lắm đó chú. Nếu ghét, cô không thèm nói, không nấu cơm là chú đói luôn!”. Nghe vậy, chú ấy đứng dậy: “Cô nói nghe cũng có lý. Thôi, không ly hôn nữa!”.
2. Cách đây hơn một năm, cứ tầm đầu ngày mới, chúng tôi lại nhận được cuộc gọi. Đầu dây bên kia, bạn đọc giới thiệu từng là một nhà giáo. Cô cho biết nhà cô ở đầu hẻm. Do cạnh nhà có miếng đất trống nên các hộ trong hẻm bày bàn ghế mua bán đồ ăn, thức uống rất ồn ào. Khi cô có ý kiến thì ai đó ném gạch, đá lên mái nhà cô. Dù cô đã phản ánh lên tổ trưởng dân phố, khu phố trưởng và thậm chí chính quyền địa phương, nhưng tình hình vẫn vậy. Chúng tôi đã xác minh vụ việc và viết bài phản ánh, nhưng tình hình chuyển biến không khả quan.
Một lần, đang đứng nói chuyện với cô trước cửa nhà, tôi tình cờ gặp anh bạn đang làm đội trưởng một đội nghiệp vụ ở Công an quận 8 chạy xe từ trong hẻm ra. Một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi kéo cái bàn chấn ngay cửa nhà cô giáo rồi mời anh bạn uống cà phê.
Suốt buổi, chúng tôi chỉ trao đổi với nhau chuyện trên trời dưới đất, không đả động gì đến chuyện của cô giáo. Ấy vậy mà sau đó chúng tôi không còn tiếp nhận những cuộc gọi đêm khuya để phản ánh của cô giáo nữa. Sau này chúng tôi mới biết, người bạn công an ấy đã chỉ huy bắt một số đối tượng tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy trong hẻm đó, nhờ vậy con hẻm đã trở nên yên bình.
3. Trong mùa đại dịch Covid-19 căng thẳng, Tổng đài và ĐDN đã nhận rất nhiều cuộc gọi của bạn đọc. Phần lớn là các ý kiến về khó khăn đi lại khi nhận tiền lương hưu trí, chậm nhận tiền chính sách; cả xóm bị cách ly, giăng dây hơn 20 ngày nhưng chưa được hỗ trợ; đám tang quàn hơn 10 ngày trong khu dân cư... Đó là những thông tin cần sự hỗ trợ tức thời của Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội.
Các thông tin lập tức được đưa lên nhóm Viber nội bộ, anh em phóng viên chia nhau đi xác minh ngay. Từ UBND các phường, xã cho đến bưu điện các địa phương đã chân thành tiếp thu và tích cực tháo gỡ. Nhu yếu phẩm, hàng thiết yếu đã đến ngay với người dân; tiền lương hưu, chính sách đã “vượt rào” đến tay các cô, chú.
Một bạn đọc ở TP Thủ Đức cho biết đã nhiều lần đến bưu điện, về trụ sở phường nhưng vẫn chưa lãnh được lương hưu, tiền chính sách. Giữa trưa nắng, đang đi ngoài đường, chúng tôi tấp vội xe vào lề để nghe điện thoại. Vừa “Alo, ĐDN xin nghe!” thì bác bảo: “Nhờ Báo SGGP nhắn lại với “mấy ổng” giữ tiền của tôi luôn đi! Muốn làm từ thiện hay gửi tuyến đầu cũng được. Tôi mệt mỏi quá rồi. Hơn 70 tuổi mà phải đi lui đi tới để lãnh vài triệu bạc chẳng bõ bèn gì!”. Tuy vậy, trưa hôm sau, bác gọi lại: “Cho chú cám ơn Ban lãnh đạo Báo SGGP nha! Mấy chú bưu điện đã đến tận nhà giao tiền cho chú rồi!”.
Cùng với tờ báo, ĐDN Báo SGGP đã trở thành người bạn thân thiết của bạn đọc, là nơi để bạn đọc gửi gắm niềm tin, góp ý để cùng chung tay xây dựng TPHCM ngày càng phát triển.