Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, nhiều DN lên kế hoạch tìm kiếm nguồn vốn thông qua kênh phát hành TPDN. Điều này cho thấy phát hành TPDN đang gia tăng về quy mô.
Có thể kể đến như CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với phương án phát hành 550 tỷ đồng TPDN lần 3 năm 2019, nhằm thanh toán chi phí dự án phân khu số 2 (Nhơn Hội, Bình Định); CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) dự kiến phát hành 100 tỷ đồng phát triển dự án Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản tại Đồng Tháp, và tăng quy mô vốn hoạt động; CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) thông qua phương án phát hành 700 tỷ đồng đợt 1 năm 2019 để cho vay ký quỹ.
Các DN bất động sản khác như Vingroup, Vinhomes (thành viên của Vingroup), Nam Long Group, TTC Land, Văn Phú Invest… cũng đã thực hiện phát hành TPDN để huy động vốn.
Cơ hội để DN huy động vốn từ kênh này càng rộng mở, khi Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018 quy định về phát hành TPDN thay thế Nghị định 90/2011 nới lỏng điều kiện phát hành, như bãi bỏ quy định muốn phát hành TPDN phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành; quy định cụ thể hơn về điều kiện để DN phát hành nhiều đợt phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư; hồ sơ phát hành TP đã được hoàn thiện theo hướng rõ ràng, thuận tiện.
Dù vậy, xét về quy mô, khối lượng TPDN tăng mạnh từ 5,27% GDP năm 2016 và 6,19% GDP năm 2017 lên 7,86% GDP năm 2018, nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực, chưa giải quyết được sự mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc cung ứng cho nền kinh tế.
Nguyên nhân do dòng vốn gián tiếp trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, vẫn đang là trọng điểm trong giai đoạn này, nên đa số DN còn nặng tâm lý phát hành tăng vốn bằng cổ phiếu thay vì TPDN. Song rào cản mấu chốt là thị trường TPDN hiện chưa có nhiều nhà tạo lập thị trường, chưa có hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm để việc phát hành nhanh và thuận lợi hơn.
Được biết, từ nhiều năm trước Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và thành lập công ty định giá tín nhiệm. Song hiện nay chỉ có NHNN thông báo sẽ xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng. Hay trong nội bộ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng có hệ thống đánh giá đối với các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm.
Còn trên tổng thể vẫn chưa có công ty xếp hạng tín nhiệm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Gần đây, có đề xuất giải pháp khuyến khích liên doanh DN trong nước với nước ngoài để chuyển giao công nghệ và phát triển, cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm các DN có quy mô vừa. Những DN có quy mô lớn, có điều kiện tài chính có thể tiếp cận các định chế quốc tế như Moody’s, Fitch Ratings và Standard & Poor's để được đánh giá tín nhiệm, có điều kiện thuận lợi để phát hành TPDN quy mô lớn.
Đây là một giải pháp Bộ Tài chính cần xem xét. Các công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ giải quyết vấn đề đánh giá độ minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư để TPDN thông thuận hơn trong quá trình phát hành.
Ngoài ra, việc tăng số lượng công ty kiểm toán chất lượng cũng là yêu cầu cấp thiết để đẩy mạnh TPDN tại Việt Nam. Nghị định 163 yêu cầu DN phát hành phải được kiểm toán bởi những công ty kiểm toán có điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính. Song thị trường có gần 3.000 công ty bao gồm đại chúng và niêm yết, nhưng chỉ có 35 công ty kiểm toán. Nếu nhu cầu phát hành tăng cao, số lượng công ty kiểm toán này sẽ khó đáp ứng yêu cầu của thị trường.