Ai sẽ thế chân Hoa Kỳ?

(ĐTTCO) - Trước thái độ xem thường các thoả thuận thương mại của chính quyền Donald Trump, nhiều quốc gia lớn có ý định thế chân Mỹ.

(ĐTTCO) - Trước thái độ xem thường các thoả thuận thương mại của chính quyền Donald Trump, nhiều quốc gia lớn có ý định thế chân Mỹ.

 

12 nước trong nhóm thảo luận Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP cần tới bảy năm để nhất trí hiệp định này. Tuy nhiên, tổng thống đắc cử Donald Trump lại chỉ cần một ngày để phá huỷ TPP.

Theo ông Hussain Rammal, giảng viên cao cấp tại trường Đại học Công Nghệ Sydney, thái độ chống TPP, chống NAFTA và chống hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc mạnh mẽ của Donald Trump đã đem tới nhiều cơ hội thúc đẩy tiến trình thương mại cho các quốc gia đối thủ.

Trung Quốc vốn đã và đang từng bước giành vị trí vô địch thương mại của Mỹ. Vào ngày 3/11, tại một cuộc họp về khu vực thương mại tự do với các đại biểu đến từ Nga và bốn nước Trung Á, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu: “Dù có nhiều bước lùi trong thời gian gần đây, nhưng toàn cầu hoá vẫn là xu hướng không thể đảo ngược trong thời đại của chúng ta”.

Trung Quốc hiện đang đàm phán xây dựng một khối thương mại Châu Á, đó là khối Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN. Vòng đàm phán cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2/12 đến ngày 10/12 tại một địa điểm gần thủ đô Jakarta, Indonesia.

Trung Quốc cũng đang tiến hành thúc đẩy thắt chặt khu vực thông qua dự án “Một vành đai, Một con đường”. Mục tiêu của dự án là nâng cao liên kết giao thông với các đối tác thương mại tại Châu Á và Châu Âu của nước này. Để đầu tư cho dự án này, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), đối thủ của Ngân hàng Thế giới tại Washington và Ngân hàng Phát triển Châu Á do Nhật Bản đứng đầu.

TPP không thành có thể sẽ là tin mừng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin luôn chỉ trích gay gắt hiệp định này cũng như Hiệp định Hợp tác Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương (TTIP); bởi theo ông, những hiệp định này đã vi phạm tinh thần và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể tác động tiêu cực tới thương mại tự do.

Tuy vậy, chính quyền của ông Putin lại đang đứng đầu nhiều nhóm khu vực như Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), một khối thương mại thành lập vào năm ngoái với các thành viên như Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. EAEU hiện đang xem xét 40 thoả thuận thương mại tự do. Chính quyền Nga hi vọng có thể liên kết EAEU với Trung Quốc, ASEAN và các nước Trung Á khác.

Trong số các quốc gia thương mại lớn, không nước nào thu được nhiều lợi ích từ TPP hơn Nhật Bản. Khi đàm phán TPP, Thủ tướng Shinzo Abe đã phải nhượng bộ và chấp thuận nhiều điều kiện khó khăn về vấn đề mở cửa thị trường trong nước với các sản phẩm nhập khẩu như thịt bò, gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Vào ngày 21/11, ông Abe cho biết TPP thiếu Mỹ sẽ là vô nghĩa; tuy nhiên, ngày hôm sau, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga lại phát biểu Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục vận động các thành viên TPP khác nhằm đảm bảo hiệu lực của hiệp định này.

Vào ngày 28/11, Đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền và các đối tác liên minh đã nhất trí kéo dài phiên họp quốc hội hiện thời thêm hai tuần nhằm giúp các nhà làm luật Nhật Bản có đủ thời gian phê chuẩn hiệp định.

Theo nhà nghiên cứu Takaaki Asano tại Tokyo Foundation, “Nhật Bản cần các hiệp định thương mại tự do khu vực, bởi nhiều năng lực sản xuất của Nhật Bản sẽ được rải rác trên khắp Đông Nam Á”. Ông Asano cho biết: “Chúng ta không thể chỉ có các hiệp định song phương. Điều này sẽ làm hiệu ứng mì ống (tình trạng chồng chéo các hiệp định song phương) thêm nghiêm trọng”.

Chính quyền của ông Abe hiện đang nỗ lực kết thúc một hiệp định kinh tế với Liên Minh Châu Âu. Nhật Bản cũng đang đàm phán một hiệp định tam phương với Trung Quốc và Hàn Quốc và đang tham gia đàm phán RCEP. Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Buenos Aires vào ngày 21/11, ông Abe cho biết quốc gia này cũng hi vọng đẩy nhanh thắt chặt thương mại với Mercosur, một khối thương mại Nam Mỹ.

Với những người theo chủ nghĩa lạc quan thương mại, các cuộc đàm phán đa phương vẫn có thể thành công nhờ WTO, mặc dù các thành viên của tổ chức này vẫn chưa thể đi đến nhất trí trong vòng đàm phán mới nhất bắt đầu vào năm 2001.

Theo cựu phó tổng giám đốc của WTO, Harsha Singh, thái độ giận dữ của ông Donald Trump trước Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và TPP có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy một số tiến trình của WTO; bởi sẽ có ít áp lực hơn trước việc đạt được một hiệp định đột phá ở quy mô lớn. Các thoả thuận hẹp hơn có thể sẽ được ký kết ở những vấn đề như trợ cấp ngư nghiệp hay thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ.

Có lẽ ông Trump sẽ không rút khỏi TPP; và thay vào đó, ông sẽ lợi dụng lời đe doạ của mình để yêu cầu tái đàm phán nhiều điều khoản có lợi hơn cho nước Mỹ. Ví dụ, theo ông Raj Bhala, phó trưởng khoa luật quốc tế và luật so sánh tại trường Đại học Luật Kansas, ông Trump có thể sẽ cố gắng thuyết phục những thành viên TPP khác chấp thuận các phương pháp trừng phạt các quốc gia thao túng tiền tệ. Đây là vấn đề mà nhiều nghị sĩ Mỹ đề nghị cần phải đưa ra khi đàm phán TPP. Theo ông Bhala, nếu nước Mỹ thực sự rút khỏi TPP, 11 nước còn lại có thể thay đổi quy định nhằm đảm bảo hiệu lực của TPP mà không cần có Mỹ.

Dù vậy, ngay cả nếu các quốc gia khác chủ động hơn trong thúc đẩy thương mại, thì không ai có thể phủ nhận rằng sẽ có nhiều trở ngại hơn khi không có Mỹ. Giám đốc điều hành quốc gia của Viện Quan hệ Quốc tế Úc Melissa Conley Tyler cho biết: “Không một quốc gia nào có thể làm được những gì nước Mỹ đã làm khi nước Mỹ quyết định nắm giữ vai trò này”. Bà cũng khẳng định: “Vẫn còn nhiều quốc gia muốn phát triển thương mại”, tuy nhiên, về vấn đề lãnh đạo, thì có lẽ “còn tồn tại một lỗ hổng lớn”.

Các tin khác