Alibaba không phải là chuyện thần thoại

(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp môi giới BĐS mới ra đời, từ vài nhân viên sale, chỉ sau 1, 2 năm CTCP Địa ốc Alibaba quảng bá đã phát triển lên đến hàng ngàn nhân viên và đặt kỳ vọng phát triển lên 500.000 sale trong thời gian tới.
 Cũng trong thời gian ấy từ số vốn ban đầu 100 triệu đồng công ty đã tăng lên hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây quả là một hiện tượng chưa từng có trong giới kinh doanh.
Mồi nhử lợi nhuận khủng
Chưa có doanh nghiệp BĐS nào được giới truyền thông cũng như cơ quan chức năng quan tâm nhiều như Alibaba. Với hơn 100 tờ báo lên tiếng, Ban Quản lý Khu Đô thị (KĐT) Tây Bắc đến lãnh đạo UBND TPHCM đều yêu cầu làm rõ.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc Alibaba cam kết mua lại với mức lợi nhuận 28%/năm nếu khách hàng không muốn giữ lại sản phẩm đã mua của công ty là hết sức mơ hồ, và không có điều khoản nào cam kết mua lại khi nào, thời hạn trả tiền cho khách hàng.
 Hoạt động của "tập đoàn" địa ốc Alibaba là không rõ ràng, bất thường. Do đó, không chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo, cơ quan chức năng cần quyết liệt để làm sáng tỏ vụ việc, xử lý mạnh để răn đe và ngăn chặn rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như làm minh bạch thị trường BĐS.
TS. Bùi Quang Tín,
chuyên gia ngân hàng
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng đây xem như “mồi nhử” cho những khách hàng thiếu hiểu biết hoặc quá ham lợi nhuận. Vì thế, với phần phụ lục trong hợp đồng Alibaba cam kết mua lại với lãi suất 28% là không khả thi, vì không có ràng buộc nào để công ty phải thực thi nếu khách hàng muốn bán lại sản phẩm của mình.
Về nguyên tắc, phụ lục hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý. Bởi lẽ, với một bản phụ lục hợp đồng, ít nhất phải thể hiện rõ phụ lục của hợp đồng nào (phụ lục số… của hợp đồng số…), chỉnh sửa hay bổ sung phần nào của hợp đồng đó… 
“Ở phụ lục hợp đồng nói trên, không thể hiện là phụ lục thuộc hợp đồng nào, chỉnh sửa hay bổ sung phần gì của hợp đồng. Nếu có xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng cũng không thể có căn cứ để giải quyết do phụ lục không có hiệu lực pháp lý. Khách hàng vì thế cũng không thể đòi được quyền lợi” - một luật sư nói. 
Theo tiết lộ của một cựu nhân viên môi giới Công ty Alibaba, trong trường hợp khách hàng mua đất nhưng sau đó không giữ đất mà muốn lấy lại vốn và tiền lợi nhuận cam kết, công ty này vẫn sẽ thu lại lô đất và chấp nhận trả lãi với điều kiện khi công ty bán lại được lô đất này cho một người khác.
“Tuy nhiên, việc khi nào bán lại được lô đất này chỉ có công ty mới biết, vì không hề có thời gian cụ thể ràng buộc, đây chính là "yếu huyệt" của khách hàng” - một chuyên gia BĐS cảnh báo.
Ngoài dự án trên giấy tại KĐT Tây Bắc mà Alibaba tổ chức thu tiền của khách hàng, tại tỉnh Đồng Nai công ty dùng đất trồng cây để vẽ nên hàng loạt “dự án” mang tên Alibaba Long Phước 1 đến Alibaba Long Phước 14 bán cho khách hàng. Chẳng hạn, dự án Alibaba Long Phước 9 đã được Công ty Alibaba phân thành 239 nền bán cho khách hàng. Mảnh đất này có diện tích 22.075m2, nhưng mục đích sử dụng đất ở chỉ 250m2, phần diện tích 21.825m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Tại nhiều diễn đàn, công ty này hãnh diện tuyên bố: “Từ đội ngũ chỉ 5 chuyên viên, Địa ốc Alibaba đã phát triển không ngừng lên 100 chuyên viên và hiện nay là vượt mốc hơn 1.500 chuyên viên sale”.
Trong khi đó, đại diện cơ quan chức năng của Đồng Nai khẳng định trên địa bàn không có bất kỳ dự án nào của chủ đầu tư mang tên Alibaba. Cụ thể, ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành, xác nhận: “Tôi khẳng định tính đến thời điểm này, huyện không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên CTCP Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư”.  
Alibaba không phải là chuyện thần thoại ảnh 1 Dự án CTCP Địa ốc Alibaba quảng bá ở Long Thành thực chất chỉ là khu đất hoang. Ảnh: ĐÌNH SƠN 
Bóc tách hành vi hoạt động trái phép
Chưa hết, sau khi bị "bóc phốt" ở Long Thành (Đồng Nai) và Củ Chi (TPHCM), Công ty Alibaba đang chuẩn bị triển khai dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu có tên "Dự án KĐT Alibaba Tân Thành". Dự án này được quảng cáo có diện tích 13ha (860 nền). Với việc sân bay Long Thành được khởi công vào năm 2018 sẽ biến Alibaba Tân Thành trở thành KĐT sầm uất bậc nhất khu vực?
Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) là đơn vị đầu tiên "bắn phát pháo" cảnh báo khẩn cấp việc CTCP Alibaba Tây Bắc TPHCM và CTCP Địa ốc Alibaba thông tin sai sự thật về dự án để bán cho khách hàng. Sau Horea, nhiều cơ quan chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc như Ban Quản lý KĐT Tây Bắc, Sở Xây dựng, Sở TN-MT… và đỉnh điểm là chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM.
Cụ thể, UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Củ Chi theo chức năng và thẩm quyền, phối hợp kiểm tra các vụ việc trên địa bàn TPHCM có liên quan đến Công ty Alibaba để xử lý hoạt động huy động vốn trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt việc công ty này tự xưng là chủ đầu tư dự án tại KĐT Tây Bắc khi chưa được phép của UBND TP.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết lãnh đạo UBND TPHCM đã giao đơn vị cùng Sở Xây dựng khẩn trương vào cuộc kiểm tra sự việc để báo cáo lại cho UBND TPHCM. Theo ông Thắng, TP đang kêu gọi đầu tư vào KĐT Tây Bắc Củ Chi thông qua hình thức đấu thầu, đấu giá… Việc Công ty Alibaba Tây Bắc TPHCM rao bán đất nền dưới hình thức đặt giữ chỗ ở dự án này là trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở này lập hồ sơ để xử lý những sai phạm của mạng lưới địa ốc Alibaba. Cùng lúc, Sở TN-MT TP cũng lên tiếng cảnh báo khẩn cấp về hoạt động môi giới của 2 công ty trên đến người tiêu dùng và các nhà đầu tư kinh doanh BĐS thứ cấp.
Sở này yêu cầu khách hàng cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra, trước những thông tin sai sự thật về việc CTCP Alibaba Tây Bắc TPHCM và CTCP Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án KĐT Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3, có diện tích 97,58ha, pháp lý: sổ đỏ thổ cư 100%”, thuộc KĐT Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.

Các tin khác