(ĐTTCO) – Quản lý thị trường (QLTT) dọc quốc lộ 1 đang là nỗi “ám ảnh” của nhiều lái xe chuyên trở hàng hóa, bởi theo các lái xe này, lực lượng QLTT đang lộng quyền và gây nhiều khó khăn cho họ.
![]() |
Hoạt động chẳng kém gì lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT), ngày đêm túc trực và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng lại bị các lái xe cho rằng quản lý thị trường đang… kiểu “bới lá tìm sâu”.
Quản lý hay lợi dụng quyền hạn?
Theo các lái xe, chỉ cần dừng đỗ ở khu vực được cho là không an toàn có thể mất ăn, mất ngủ và đương nhiên mất cả tiền bạc là điều không thể tránh khỏi. Sự xuất hiện độc lập và khá nhanh bất kể lúc nào của lực lượng QLTT các tỉnh như: Đồng Nai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hà tĩnh, Nghệ An và đặc biệt là Thanh Hóa.
Nỗi “ám ảnh” được khắc sâu trong lòng của mỗi lái xe, chủ phương tiện và hàng hóa khi đi qua các địa bàn được cho là nhạy cảm và không an toàn này. Theo các nhân chứng kể lại: lái xe phải nhịn ăn, nhịn uống thậm chí phải nhịn… đi vệ sinh cá nhân khi đi qua những địa bàn này.
Theo các lái xe, thức trắng đêm để phục vụ sự kiểm tra của lực lượng này sẽ chẳng là vấn đề gì nếu như việc kiểm tra hàng hóa được thể hiện tính minh bạch và công minh. Nhưng điều đáng nói, lực lượng quản lý thị trường xuất hiện khá nhanh và nhiều dấu hiệu bất thường: chẳng quản ngày đêm, quy trình xử lý và các văn bản phối phợp được bỏ trống, thậm chí không có… Việc kiểm tra hàng hóa theo kiểu trên xe có gì là kiểm tra thứ đó, không có hạng mục nào kiểm tra được ghi chi tiết…
Trong khi theo Quyết định số: 65/2010/QĐ-TT, ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số: 34/2014/TT-BCT ngày 25/10/2014 về việc Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và quy định về công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý thị trường các cấp trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp, khi có thông tin hành vi gian lận thương mại: hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… qua địa bàn của mình: QLTT phải làm đề xuất phối hợp với lực lượng chức năng theo từng trường hợp cụ thể đặc biệt trong đề xuất phải đầy đủ thông tin: thông tin về hàng hóa (tên hàng hóa nghi vấn; lậu, cấm…), biển số xe, lộ trình và dự kiến thời gian tới… Và tất nhiên, sẽ không có phần bỏ trống nào trong văn bản phối hợp.
Thế nhưng lực lượng QLTT đang lợi dụng quyền hạn của mình để làm khó các DN trên tuyến QL 1, gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua.
DN bức xúc vì những “câu chuyện… vụn vặt”
Ông Nguyễn Chí Hoàng Giám đốc Cty Vận tải Phượng Hoàng cho biết: “Cái mà QLTT làm khiến chúng tôi không phục bởi sự tọc mạch, táy máy theo kiểu bới lá tìm sâu. Nếu lực lượng QLTT phát hiện, nghi vấn và xác định trên xe chở hàng lậu thì phải có lệnh phối hợp của các lực lượng liên quan và thông tin trong văn bản phải được ghi đầy đủ chi tiết như: biển số xe, lộ trình hay tên hàng hóa trên xe nghi vấn… Không thể từ câu chuyện xe chở ngà voi mà chuyển sang kiểm tra mấy cái mắc áo của người dân làm thủ công và yêu cầu tem nhãn mác thì đúng là đầu voi đuôi chuột, tôi cho rằng sự việc này quá vụn vặt”, ông Hoàng bức xúc.
Còn ông Nguyễn Văn Phong – đại diện Cty TNHH Vận tải Quý Long tại Hải Dương lại chia sẻ: “với những hoạt động dày đặc của lực lượng QLTT trên tuyến quốc lộ 1, có lẽ DN vận tải hàng hóa như chúng tôi phải bán xe để chuyển đổi ngành nghề. Hai năm trở lại đây hoạt động kinh doanh vận tải bằng đường bộ đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khó khăn chồng chất. Kiếm được chuyến hàng để chở đủ tải cho đỡ lãng phí là cả một vấn đề.
Tiền cước vận chuyển chỉ đủ chi trả tiền lương cho lái xe, chi phí cầu đường đang là gánh nặng cho DN, nay lại phải thêm chi phí cho QLTT và CSGT với quãng đường dài gần 2.000 km tương đương 20 tỉnh thành thì chúng tôi không còn con đường sống”.
Ông Phong cho biết: Đơn cử như vừa qua, trong môt tuần di chuyển chiều ra và vào cùng một biển kiểm soát 34C 0… mà tới 2 lần bị QLTT của một tỉnh kiểm tra xử lí thì bức xúc quá. Với chiều ra là đội số 5, chiều vào thì đội số 2 đều là lực lượng QLTT Đà Nẵng.
Trong quá trình kiểm tra, hàng hóa đầy đủ hóa đơn chứng từ thì xin tiền bồi dưỡng, ít thì cũng 1 triệu, nhiều thì 2-3 triệu. Có lần lái xe bị lực lượng CSGT huyện Vĩnh Linh – Quảng Trị kéo rách áo, lao đầu từ trên xe ngã xuống trong lúc kiểm tra hành chính. Kiểm tra giấy tờ đầy đủ nhưng đột nhiên lực lượng CSGT lại gọi điện và giao cho Đội QLTT số 18, Hồ Xá – Quảng Trị. Thực sự là DN bức xúc vô cùng mà chẳng biết kêu ai?
Ông Phong bức xúc: Quy trình phối hợp kiểm tra của QLTT có nhiều vấn đề. Tại chương I Điều 3 của Thông tư: 34/2014/TT-BCT nêu rất rõ, nguyên tắc phối hợp trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính: “Trong quá trình xử lý phải bảo đảm việc phối hợp được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, có hiệu quả, không chồng chéo; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, việc kiểm tra của QLTT khá phiền hà, mất nhiều thời gian và đa số chỉ dựa vào lực lượng CSGT dừng xe để kiểm tra hay xe dừng đỗ là ập tới theo kiều rình mò như vậy thì bực tức vô cùng.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải ngồi lại với nhau xây dựng lại hệ thống văn bản và có chế tài xử phạt đối với lực lượng này. Nếu không sự thoái hóa biến chất, cửa quyền của những “con sâu” sẽ làm “rầu” hình ảnh của toàn lực lượng QLTT đang ngày đêm miệt mài thực hiện nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại…?