Ẩm thực Việt đâu chỉ có phở

Là món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt, phở đã được nhiều người Singapore biết đến. Có lẽ vì vậy, nhiều nhà hàng Việt Nam trên đảo Sư tử đã lấy cái danh từ dễ thương đó làm chiêu tiếp thị thu hút thực khách.

Là món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt, phở đã được nhiều người Singapore biết đến. Có lẽ vì vậy, nhiều nhà hàng Việt Nam trên đảo Sư tử đã lấy cái danh từ dễ thương đó làm chiêu tiếp thị thu hút thực khách.

Trong vòng 5 tháng qua, truyền thông Singapore đã ghi nhận sự xuất hiện của làn sóng mới nhà hàng Việt Nam mang tên “phở” như “Phở Vietnamese Cuisine” ở đường Telok Ayer Street cạnh Phố Tàu, “Mrs Phở” ở đường Beach Road gần khu mua sắm Bugis, “Phở Hạnh Delights” ở đường Joo Chiat, nơi có nhiều nhà hàng Việt Nam và nhiều dịch vụ giải trí về đêm…

Nhưng nhà hàng mang tên “phở” không chỉ bán phở. Chủ nhà hàng kiêm đầu bếp Jeff Koh, 28 tuổi của Mộc Quán ở khu mua sắm UE Sqaure mở cách đây 3 tháng, cho biết ngoài món phở, cửa hàng anh có nhiều món Việt độc đáo. “Nếu thực khách người Việt có yêu cầu đặc biệt về những món ăn ở quê nhà chưa có trong thực đơn, tôi sẽ vui lòng đáp ứng” - anh nói.

Có lẽ ông chủ người Singapore này dám mạnh miệng vì đã trải qua 3 năm lăn lóc kinh nghiệm với các món ăn đường phố ở TPHCM và nhất là bên cạnh có cô vợ trẻ người Việt 24 tuổi tên Nga. Thêm nữa, nguyên liệu cho các món ăn của nhà hàng này chủ yếu từ Việt Nam sang, cả lò nướng bánh mì cũng được vận chuyển từ Việt Nam với cách xử lý truyền thống, đảm bảo bánh mì bên trong mềm và dẻo nhưng vẫn giữ được độ giòn bên ngoài.

Trong khi đó, “Mrs Phở” có chiến lược tiếp thị khác là mang Việt Nam đến gần hơn với người Singapore. Thực khách bước vào bên trong nhà hàng sẽ có cơ hội nhớ lại những trải nghiệm ẩm thực đường phố ở Việt Nam, với những ánh đèn đường, dây điện chằng chịt và cả những dòng chữ quảng cáo viết tay ngoằn ngoèo trên tường. Trên các kệ tủ còn bày cả nón lá và mũ bảo hiểm cùng với những món ăn đóng gói sẵn để thực khách mua mang về. Đồng sở hữu nhà hàng này cùng với một người Singapore là anh Hoàng Hà, người Australia gốc Việt 35 tuổi, và đầu bếp chính là người phụ nữ có tên Kim Anh.

Với “Phở Hạnh Delights”, không khó để biết chủ quán này tên là Hạnh và người phụ nữ 33 tuổi này là đồng sở hữu với đức ông chồng người Singapore Leong Neo, 44 tuổi. Theo ông Leong, nhà hàng có thể phục vụ 60 món ăn Việt và sẽ tiếp tục giới thiệu thêm nhiều món mới. Ông tiết lộ 75% thực khách của nhà hàng là người Singapore và ông mong nhiều người Singapore sẽ có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo từ quê hương của người vợ Việt Nam.

Bên trong nhà hàng Mrs Phở tại Singapore.

Bên trong nhà hàng Mrs Phở tại Singapore.

Ngoài những nhà hàng Việt mới xuất hiện ở Singapore nói trên, không thể không nhắc đến những tên tuổi đã có mặt trên thương trường từ hơn năm nay, như “Tâm Anh” ở  khu mua sắm Chinatown Point, “Phở 4 all” và “Hà Nội Restaurant” ở khu mua sắm 100AM, gần khu tài chính ngân hàng. Rồi thương hiệu nhượng quyền từ Việt Nam sang Wrap&Roll ban đầu chủ yếu phục vụ gỏi cuốn, chả giò, nhưng rồi cũng bổ sung thêm phở vào thực đơn theo yêu cầu của thực khách.

Nhưng đi đầu trong trào lưu phở Việt ở Singapore phải kể đến nhà hàng NamNam Noodle Bar của Tập đoàn Les Amis (tiếng Pháp có nghĩa “Những người bạn”) khai trương cách đây 2 năm và vừa mở thêm chi nhánh thứ 5 ở khu nghỉ dưỡng Resorts World Sentosa giữa tháng 9 vừa rồi. Tập đoàn này cũng đã mở thêm nhà hàng mới có tên “Cơm Nam” hồi tháng 8 ở trung tâm mua sắm Raffles City với món chủ lực là cơm tấm. Đây có thể là điểm khởi đầu cho xu hướng đa dạng hóa ẩm thực Việt của các nhà hàng Việt Nam tại Singapore trong thời gian tới.

Singapore, ngày 8-10-2014

Các tin khác