An Giang: Mô hình nông nghiệp bền vững

(ĐTTCO)- An Giang là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều mô hình đột phá mang lại giá trị kinh tế cao. Gần đây, những diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, đã khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Để thích ứng với tình hình mới, An Giang đang đột phá với các chương trình nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao (CNC)… nhằm tăng giá trị, đáp ứng đa dạng nhu cầu xuất khẩu.

Tín hiệu lạc quan
Là huyện biên giới, thường xuyên bị ngập lũ, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp và nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) mạnh dạn phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đơn cử, trang trại của ông Nguyễn Lợi Đức, xã Vĩnh Gia đi đầu trong áp dụng CNC vào sản xuất lúa, nuôi bò, trồng chuối…
Cách nay hơn 5 năm, trong lúc nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn bởi dịch bệnh và giá cả thất thường, ông Đức lại quyết định lập trang trại nuôi bò giống với quy mô ban đầu hơn 100 con. Ông không nuôi bò theo phương pháp cũ, mà áp dụng nuôi bò giống chất lượng cao, với các giống siêu thịt nhập từ Australia, Pháp, Thái Lan… 
 An Giang cần tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh bằng sự khác biệt. Theo đó, xây dựng những vùng sản xuất lớn, phát huy vai trò DN làm đầu tàu, từ đó thu hút nông dân tham gia cùng phát triển. Tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để các DN trong và ngoài nước tham gia phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng CNC. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu nhằm thực hiện những dự án về lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, cây ăn trái, chế biến nông thủy sản… tại An Giang.
Ông Trần Anh Thư, 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Khi trang trại bò giống đạt hiệu quả, ông Đức mở rộng đàn lên 300 con, rồi hơn 600 con… Đàn bò phát triển ổn định, ông đầu tư thêm gần 60ha đất trồng chuối cấy mô. Trang trại chuối bạt ngàn mọc lên ở vùng đất phèn, được ứng dụng CNC từ sản xuất đến thu hoạch.
Cái hay của ông Đức là tận dụng phân bò nuôi trùn quế, sau đó bón cho chuối; khi thu hoạch chuối lấy thân chuối xay nhuyễn làm thức ăn cho bò. Vừa hiệu quả, vừa tiết giảm chi phí. Từ sản xuất lúa giống chất lượng cao, nuôi bò và trồng chuối xuất khẩu, đã giúp ông thu lời hàng tỷ đồng mỗi năm.  
Tương tự, ông Lưu Văn Nhanh (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu) cũng đổi đời nhờ sản xuất giống rau màu theo CNC. Gia đình ông Nhanh làm nghề ươm giống rau màu nhiều năm theo phương pháp truyền thống nên thu nhập không bao nhiêu.
Suy nghĩ tìm hướng đi mới, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Sở KH-CN An Giang, ông Nhanh mạnh dạn ứng dụng CNC vào sản xuất giống rau màu. Ông đầu tư hệ thống nhà lưới, màng phủ, dàn kệ để khay xốp, hệ thống phun sương tự động, máy gieo hạt… Từ đó giúp cây giống phát triển tốt, tránh được mưa gió, chủ động thời vụ, không bị sâu bệnh… Nhờ vậy chất lượng rau màu do ông trồng được thị trường tín nhiệm, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. 
Theo Sở KH-CN An Giang, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp bước đầu đem lại kết quả khích lệ. Nhiều mô hình như sản xuất lúa giống chất lượng cao, luân canh lúa màu, ươm giống rau màu CNC, dự án tôm toàn đực, trồng cây dược liệu, sản xuất nấm, hoa kiểng... có hiệu quả kinh tế cao, được DN và nhiều nông dân tham gia. Từ các mô hình trên đã xuất hiện nhiều HTX, tổ hợp tác gắn kết nông dân với nhau để liên kết với DN và ngành chức năng trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chủ động việc thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu. 
An Giang: Mô hình nông nghiệp bền vững ảnh 1 Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng CNC ở An Giang. 
Kéo DN lớn đầu tư nông nghiệp
Thời gian qua tỉnh An Giang đã chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp theo diện tích, sản lượng, sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất. Từ đó cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh. Đây là hướng đi theo nội dung Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến 2030”. 
Thống kê bước đầu việc triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC, cho thấy đã đáp ứng được mục tiêu về nghiên cứu chọn tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; xây dựng các quy trình canh tác mới, hiệu quả; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt; hình thành và xác định các mô hình sản xuất hiệu quả… Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là vấn đề mới so với hiểu biết, trình độ sản xuất của nông dân, cần có thời gian để chuyển đổi tập quán canh tác.
Ngoài ra, nguồn lực phục vụ còn hạn chế, nhất là nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... Thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chưa hấp dẫn, chưa ổn định, trong khi sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao... Do đó, việc kêu gọi, khuyến khích DN và nông dân tham gia còn khó.
Tới đây, An Giang tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đẩy mạnh xúc tiến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ CNC. Từng bước hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng nhiều...
Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đã có buổi làm việc với Tập đoàn FLC để giới thiệu thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, mời gọi đầu tư dự án “Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô lớn”.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đã gặp gỡ Tập đoàn TH giới thiệu về dự án nuôi 20.000 bò sữa, dự án xây dựng chuỗi liên kết - thương hiệu gạo rộng 50.000ha, mà tập đoàn này quan tâm.
Tỉnh An Giang cũng mở rộng cửa để các DN như Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn Sunrice (Australia), Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn Asia Star, Công ty Vương Đình… đầu tư vào nhiều lĩnh vực ứng dụng CNC, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. 

Các tin khác