Đó là những phản ứng cảm tính rất thông thường của một người bình thường, nhưng là tính cách không nên có đối với một NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Vô tình nhảy đúng vào giữa con sóng đầu cơ khổng lồ, vô tình được “phím hàng” ăn đậm, rất dễ tạo nên ảo tưởng về sức mạnh hay trình độ cá nhân.
Học phí không bao giờ đắt
Học phí không bao giờ đắt
Trên một diễn đàn, câu chuyện nổi nhất mấy ngày qua là việc “bóc phốt” một room tư vấn đầu tư đu đỉnh nhóm cổ phiếu F. Những lời lẽ mật ngọt, những “tút” chuyển tải kiến thức uyên thâm làm say mê bao nhiêu NĐT nhỏ lẻ mới chân ướt chân ráo vào thị trường, cuối cùng chốt lại là mắc kẹt.
Tư lệnh lặng lẽ đào ngũ, thành viên bơ vơ tụ lại liên lạc an ủi lẫn nhau. Chỉ có điều, những lời an ủi đó không thể xoa dịu nỗi đau mỗi lần nhìn tài khoản âm ngày càng lớn.
Cũng có những “tư lệnh” dám đối mặt với “anh em” thua lỗ một cách dũng cảm, nhưng đổ lỗi cho sự kiện bất ngờ không kiểm soát được, như việc Chủ tịch FLC bán chui cổ phiếu, hay vụ Tân Hoàng Minh bất ngờ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Những sự kiện này được cho đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo hiện tại đối với các cổ phiếu đầu cơ. Chung quy lại vẫn là những lời bao biện rằng “người tính không bằng trời tính”.
Thực ra hiện tượng như vậy không có gì mới mẻ. Đối với các NĐT đã “chinh chiến” trên thị trường nhiều năm, sự thăng trầm trong tâm lý con người như vậy luôn lặp lại, các đội nhóm giăng bẫy “lùa gà” kích thích lòng tham thời nào cũng có.
Năm 2008, từ tháng 6 đến cuối tháng 8, cổ phiếu “con tàu ma” VSP còn tăng gần 6 lần, để rồi 6 tháng sau lại “về máng”. Cho đến giờ vẫn chưa cổ phiếu nào vượt qua được kỷ lục “thổi giá” lên mạnh trong thời gian ngắn như vậy. Rất nhiều NĐT nhỏ lẻ đã sập bẫy bởi lòng tham.
Điều khác là thời 2008-2009 số lượng NĐT trên TTCK quá ít, giá trị giao dịch bình quân chỉ 800-1.000 tỷ đồng mỗi ngày, hôm nào lên 1.200 tỷ đồng đã là đột biến. Còn lúc này, giao dịch 30.000-40.000 tỷ đồng với số tài khoản nhiều gấp hơn 20 lần.
Làn sóng bán tháo nhiều cổ phiếu đầu cơ đang gây thua lỗ rất lớn cho những NĐT “đu đỉnh” và mức thua lỗ sẽ còn chưa dừng lại, do hiện tượng mất thanh khoản hàng loạt, muốn bán cũng không được. Thống kê trên HoSE trong 30 phiên gần nhất, đã có tới 140 mã đang thua lỗ 20% trở lên tính từ đỉnh giá cao nhất.
11 cổ phiếu đang thua lỗ hơn 40%. Không có gì bất ngờ khi những cái tên đình đám dẫn đầu nhóm thua lỗ, như ROS lỗ 46,8%, FLC lỗ 46%, LCM lỗ 44,7%, HAR lỗ 44,4%, CKG lỗ 33,6%, AMD lỗ 43,2%, HAI lỗ 43%... Như ngày 19-1, vẫn còn đâu đó gần 50 cổ phiếu mất thanh khoản, nghĩa là mức lỗ sẽ còn gia tăng.
Khi làn sóng đầu cơ trong giai đoạn bùng phát từ tháng 8-2021 và đạt cao trào tháng 11-12 cùng năm, những NĐT có kinh nghiệm đều nhìn thấy kết cục tất yếu “trong nước mắt”, nhưng những lời khuyên hay phân tích cảnh báo đều rơi vào hư vô. Những nhà đầu cơ nhìn thấy tài khoản lãi lớn từng ngày cảm thấy như mình đang đứng trên đỉnh của thế giới. Cảm giác đó cũng không có gì mới, vì hầu như ai bước chân vào thị trường cũng sẽ trải qua giai đoạn tự tin như vậy.
Những lời khuyên thực ra chỉ muốn giúp các NĐT mới bớt được một phần “học phí”, lại thường xuyên bị diễn giải thành “kém miếng khó chịu”, hay “chim lợn” vì nhỡ tàu. Thua lỗ có thể được xem như học phí để những NĐT F0 được nâng hạng lên Fn. Học phí lớn đến đâu cũng không bao giờ là đắt nếu biết giá trị của nó.
Bài học ngoài sách vở
Bài học ngoài sách vở
Rất nhiều NĐT ham thích đầu cơ ngắn hạn mong kiếm lời thật nhanh, nhưng lại không chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết một cách chuyên nghiệp. Đầu cơ chứng khoán chưa bao giờ là cuộc dạo chơi, mà thực sự là cuộc chiến không ngừng nghỉ mỗi ngày, khi thắng lợi của người này sẽ là thua lỗ của người khác.
Việc đọc báo cáo tài chính, xem đồ thị phân tích kỹ thuật chỉ là một phần của những kỹ năng chuyên nghiệp cho công việc đầu tư chuyên nghiệp. Những kỹ năng mang tính sách vở như quản trị danh mục, quản trị rủi ro, quản trị vị thế, cách cắt lỗ, chốt lời, xác định giá mục tiêu... cũng đều được nói rất nhiều trong các cuốn sách giá chỉ vài trăm ngàn đồng.
Thế nhưng sẽ rất hiếm cuốn sách dạy cách tránh hoảng loạn khi cổ phiếu giảm sàn mất thanh khoản, và mỗi ngày bốc hơi 7-10% tài khoản, hay dạy cách kiềm chế lòng tham, tách khỏi đám đông đang cuồn loạn vì lợi nhuận.
Cũng không sách nào dạy cách phân biệt một giao dịch sinh lời là nhờ may mắn hay tài giỏi, hay vì sao đừng đổ lỗi cho người khác khi thua lỗ... Bài học ngoài sách vở chính là kinh nghiệm để kiềm chế và hiểu bản thân. Bài học này chỉ có thể có được sau nhiều lần trải nghiệm thất bại và nhận thức tự thân. Không phải ai cũng phù hợp với nghề giao dịch chứng khoán, nếu thực sự muốn đầu tư một cách chuyên nghiệp và kiếm sống.
Giới đầu tư chứng khoán khắp thế giới đều biết đến câu chuyện đào tạo các nhà giao dịch chứng khoán như nuôi những con rùa của 2 NĐT hàng hóa nổi tiếng những năm 1980, được viết thành cuốn sách “TurtleTrader”.
Những chỉ dẫn giao dịch chi tiết không phải là bí mật, nhưng không phải ai cũng thành công. Điều đó nghĩa, bản thân phương pháp đầu tư hay các kỹ năng giao dịch hiệu quả hay không lại ở kỷ luật và kinh nghiệm sử dụng nó.
Thua lỗ có thể được xem như học phí để những NĐT F0 được nâng hạng lên Fn. Học phí lớn đến đâu cũng không bao giờ là đắt nếu biết giá trị của nó. |