Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (thuế TTTC) từ ngày 1/1/2024 nhằm chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Việc áp dụng thuế TTTC sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Điều chỉnh các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thuế TTTC là sự thay đổi căn bản về cấu trúc thuế quốc tế, được thiết kế nhằm hạn chế việc giảm chuyển dịch lợi nhuận và cạnh tranh về thuế của các tập đoàn đa quốc gia và cạnh tranh “xuống đáy” về thuế của các quốc gia.
Khi áp dụng mức thuế TTTC 15% thì ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng tại Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa đối với các doanh nghiệp có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu Euro; dẫn đến Việt Nam sẽ không còn cạnh tranh trong thu hút, giữ chân các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.
Trong khi các nước phát triển đang khẩn trương và chủ động áp dụng quy tắc này thì các nước đang phát triển đang cân nhắc kỹ lưỡng bài toán tăng nguồn thu thông qua áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa theo chuẩn (QDMTT) nhưng vẫn phải đảm bảo tiếp tục cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua việc ban hành các hình thức ưu đãi mới phù hợp.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải đánh giá toàn diện hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư để bổ sung, điều chỉnh các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Về cơ hội trong thu hút FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Giành được quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu Euro đang hoạt động tại Việt Nam và từ các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, ngăn dòng chảy thuế sang quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Việc áp dụng thuế TTTC là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chĩ rõ một số thách thức khi áp dụng thuế TTTC: Làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài.
Khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư. Việc giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp.
Do đó, việc áp dụng chính sách này cần phải đặt ra những câu hỏi: Làm thế nào để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo sức cạnh tranh cũng như tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư
Việt Nam sẽ áp dụng 2 quy định: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu áp dụng đối với các tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, và quy định tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Việc áp dụng thuế TTTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các DN đầu tư nước ngoài đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức thấp hơn 15%. Do đó, để giữ chân các nhà đầu tư lớn, cũng như sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, cần có giải pháp bù đắp hiệu quả cho nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)
Theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), thuế tối thiểu toàn cầu trung bình khoảng 7-8%. Các nước phát triển đều đang áp dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ đầu tư đề bù lại các khoản phải trả của các nhà đầu tư.
“Nếu Chính phủ Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và chất bán dẫn thì cần sự hỗ trợ và cam kết không thay đổi để doanh nghiệp dám đầu tư với số tiền hàng chục tỷ USD”, ông Hong Sun nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chính sách thuế TTTC làm trong ngắn hạn nhưng phải nghĩ đến dài hạn, chính sách bổ sung phải áp dụng đồng đều cho tất cả các đối tượng có liên quan, vừa dài hạn lại chống lại việc vi phạm các nguyên tắc của OECD.
“Các biện pháp phải hết sức lưu ý đến thủ tục, quy trình chống trợ cấp của WTO. Theo gợi ý của các chuyên gia, nên tập trung vào khấu trừ chi phí, dựa trên một số tiêu chí về chi phí của WTO, ví dụ như là chi phí sản xuất kinh doanh, đầu tư về lao động, đầu tư vào phát triển, đầu tư vào các xu hướng mới như giảm thiểu các-bon hay chi phí về môi trường…”, ông Phan Đức Hiếu nêu rõ.
Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế TTTC đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, đại diện cơ quan thuế cũng nhận định, cần phải có giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế TTTC, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, đảm bảo công khai minh bạch và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đầu tư.