Áp lực thành công, phản ứng âm thầm

(ĐTTCO) - Có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, lớp trẻ gen Z, gen Y được ví là thế hệ “vượt sướng”. Nhưng đi kèm với những điều kiện tốt trong học tập, làm việc, cũng có không ít áp lực buộc bạn trẻ phải nỗ lực và phải thành công nhanh hơn so với thế hệ trước.

Gánh nặng tâm lý

Hơn một tuần qua, từ khóa “âm thầm bỏ cuộc”, “làm việc cầm chừng” nhận được hơn 3,5 triệu nội dung, lượt tìm kiếm và theo dõi trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Câu chuyện này trở thành chủ đề tâm điểm của bạn trẻ trong nước trên các diễn đàn trực tuyến, với hai chiều ý kiến: làn sóng “ăn mòn” tinh thần làm việc, hay phản ứng trước áp lực người trẻ buộc mình phải thành công, khi phát triển trong một xã hội có điều kiện tốt hơn thế hệ trước.

Theo khảo sát vào đầu năm 2022 của Parent for Future (mạng lưới các nhà hoạt động vì trẻ em và cha mẹ trên toàn cầu, có trụ sở tại nhiều quốc gia như Thụy Điển, Đức, Canada…), chỉ 10% trong số 860 người tham gia khảo sát (trong độ tuổi gen Z, từ 18-26 tuổi) nói rằng, bản thân không bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa.

Bạn trẻ tìm đến các hoạt động giải trí, học kỹ năng để cân bằng áp lực trong cuộc sống, công việc

Bạn trẻ tìm đến các hoạt động giải trí, học kỹ năng để cân bằng áp lực trong cuộc sống, công việc



Một kết quả tương tự vào năm 2021, công ty chuyên nghiên cứu Barna Group (Mỹ) kết hợp với Impact 360 Institute thực hiện, cho biết, cứ 5 người sẽ có 2 người thuộc gen Z chịu áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, nguyên nhân nội tại bao gồm: áp lực thành công (56%) và áp lực cần phải hoàn hảo (42%). Về yếu tố bên ngoài: người trẻ thấy gánh nặng tâm lý vì bị đánh giá bởi thế hệ trước (42%) và kỳ vọng của cha mẹ (39%).

Số liệu từ các khảo sát trên ít nhiều chứng tỏ rằng, người trẻ hiện tại đang gặp vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần… Sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội có nhiều điều kiện để phát triển tốt hơn, vài năm trở lại đây, không ít người trẻ tự đặt cho mình những áp lực phải thành công trước tuổi 30 như: tự chủ tài chính, mua xe, thậm chí là mua nhà.

Biến áp lực thành động lực

Quyết định dừng công việc thiết kế quảng cáo mà bản thân dành 4 năm học tập và hơn 1 năm học thêm tại Australia, Lê Nguyễn Tuyết Nhi (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Vào đại học, tôi được chọn ngành mình thích và gia đình cũng tạo điều kiện tối đa để tôi du học hơn 1 năm, không phải lo lắng nhiều về học phí. Về nước, tìm được công ty đúng chuyên ngành mình đã học, ai cũng nghĩ điều kiện của tôi quá tốt rồi. Nhưng chính vì mình có nhiều điều kiện tốt như vậy, nên tôi càng áp lực và tự đặt cho mình các mục tiêu lớn, nhất là khi bạn bè cùng lớp, cùng khóa với mình có nhiều thành tích mà mình thì chưa. Ban đầu là mục tiêu tăng dự án, tăng lương rồi đến mua xe, tôi dần hoàn thành, nhưng càng thấy mệt mỏi, quyết định tạm dừng công việc một năm để cân bằng lại mọi thứ”.

Câu chuyện của Tuyết Nhi không phải lạ và cũng không ngoại lệ trong giới trẻ. Cũng trong khảo sát vào đầu năm 2022 của Parent for Future, áp lực đồng trang lứa không phải một vấn đề xa lạ đối với giới trẻ, trong 10 người sẽ có đến 8 người biết tới Peer Pressure (thuật ngữ chỉ áp lực đồng trang lứa) và hầu hết đều nằm trong độ tuổi từ 16-21. Có đến 65,9% số người tham gia khảo sát khẳng định áp lực đồng trang lứa xuất phát từ chính bản thân người mắc phải, 19,3% xuất phát từ gia đình, 11,5% xuất phát từ xã hội và còn lại là các yếu tố khác tác động.

Tốt nghiệp ngành Hóa hữu cơ và tìm được công việc tại công ty xuất khẩu tinh dầu, Nguyễn Tấn Tài (25 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) gần như chỉ có đi làm và về nhà. “Từ khi ra trường đến giờ, tôi không còn tham gia hội họp gì với bạn bè, vì cứ vùi mình vào công việc. Bạn bè người học tiếp cao học, người du học, tôi cũng đặt mục tiêu cho mình vị trí trưởng phòng điều chế, nên áp lực công việc càng nhiều. Tôi tạm nghỉ không lương 3 tháng để đi du lịch, cân bằng lại các mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc để vượt qua áp lực của chính mình”.

Rõ ràng, áp lực đồng trang lứa, hay những nỗi niềm trên bước đường trưởng thành, mỗi thế hệ đều có những trăn trở khác nhau. Và thành công tùy vào định nghĩa của mỗi người, áp lực cũng là động lực để mỗi người trẻ cố gắng, nhưng đừng tự buộc mình vào những áp lực quá lớn để rồi trở thành rào cản trong hành trình tương lai và nỗi sợ trong tinh thần.

Nói về áp lực đồng trang lứa trong giới trẻ hiện nay, chị Phan Thị Thu Uyên (chuyên viên truyền thông, Công ty Truyền thông và giải trí Q.) chia sẻ: “Có thể thấy một phần tác động đến áp lực buộc mình phải thành công của một bộ phận bạn trẻ, chính là mạng xã hội. Có những bạn trẻ xây dựng cho mình mọi thứ trên trang cá nhân thật lung linh, hình ảnh check-in ở những nơi sang trọng, nhưng thực tế thì khả năng tài chính có giới hạn, buộc các bạn phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được những điều đó. Đó cũng là một áp lực đáng kể đối với một bộ phận bạn trẻ hiện nay”.

Các tin khác