Ghi nhận tại ngày 30-9, tỷ giá trung tâm chỉ còn tăng gần 1% so với cuối năm 2023. Tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường liên NH kết thúc tháng ở mức 24.560 đồng, giảm gần 700 đồng so với cuối tháng 7, tương đương giảm 2,7%. Tương tự, giá USD tại NH và thị trường tự do cũng rớt mạnh so với 2-3 tháng trước.
Diễn biến đó buộc NHNN phải liên tục can thiệp ổn định tỷ giá, bao gồm thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ và điều tiết thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở, kết hợp với việc tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), tín phiếu để giữ nền lãi suất liên NH ở mức cao vừa đủ, để hạn chế các giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất.
Trước khi Fed hạ lãi suất, vào ngày 13-9, lãi suất USD liên NH qua đêm ở mức 5,31%/năm, lãi suất VNĐ liên NH qua đêm ở mức 3,4%/năm, tương ứng chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ kỳ hạn qua đêm trên liên NH là 1,91%.
Sau khi Fed hạ lãi suất, lãi suất USD liên NH qua đêm đóng cửa tuần cuối tháng 9 đã giảm về mức 4,83%/năm, lãi suất VNĐ liên NH qua đêm ở mức 4,24%, tương ứng chênh lệch hai mức lãi suất này chỉ còn 0,59%. Như vậy áp lực đã được giải tỏa.
Theo giới phân tích, áp lực tỷ giá là một trong yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ Việt Nam. Khi Fed hạ lãi suất sẽ là tín hiệu tương đối đáng mừng với điều hành chính sách tiền tệ. Dự báo áp lực lên tỷ giá sẽ giảm và dao động trong khoảng 24.700-24.900 đồng/USD trong quý IV-2024.
Các yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá bao gồm thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024), dòng vốn FDI vào ròng (14,15 tỷ USD trong 8 tháng) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (tăng 45,8% so với cùng kỳ).
Tỷ giá giảm áp lực, NHNN đã có nhiều động thái nới lỏng hơn trong thời gian gần đây. Ngày 16-9, NHNN đã giảm lãi suất OMO xuống còn 4%/năm từ mức 4,25%/năm được duy trì từ đầu tháng 8. Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng.
Trước đó, nhà điều hành cũng đã hạ lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch 5-8. Động thái giảm lãi suất OMO sau một khoảng thời gian duy trì đà tăng để ổn định tỷ giá, cho thấy NHNN đang cố gắng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, qua đó có thể hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua tiêu dùng và đầu tư.
Sau khi Fed giảm lãi suất, trong tuần cuối tháng 9, NHNN đã chào thầu trên kênh OMO tổng cộng 79.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày. Kết quả có hơn 67.359 tỷ đồng trúng thầu, đồng thời trong tuần này có hơn 1.511 tỷ đồng đáo hạn.
So với tuần trước đó, lượng chào thầu của NHNN đã tăng thêm 64.000 tỷ đồng và lượng trúng thầu cao hơn gần 45 lần. Tương ứng, NHNN đã bơm ròng hơn 65.847 tỷ đồng ra thị trường qua kênh OMO. Đây là trạng thái bơm ròng thanh khoản mạnh nhất kể từ tháng 2-2023.
Hiện lãi suất liên NH vẫn neo cao trên ngưỡng 4%, một phần do chịu áp lực thanh khoản khi tăng trưởng tín dụng đang phục hồi trở lại và chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động cao.
Do đó, nhiều dự báo cho rằng cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có thêm những biện pháp hỗ trợ. NHNN cũng đã tạm dừng phát hành tín phiếu, điều này tương ứng với việc sẽ trả lại cho hệ thống NH một lượng thanh khoản, từ đó giảm áp lực cho mặt bằng lãi suất thị trường 1.
Như vậy giai đoạn cuối năm, khả năng cao NHNN vẫn sẽ tiếp tục can thiệp mạnh thông qua các kênh OMO hoặc các công cụ chính sách khác, để không chỉ kiểm soát mức lãi suất ngắn hạn, mà còn bảo đảm cung ứng đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.