Trung Quốc kêu gọi Australia không phân biệt đối xử với Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ, sau khi bộ luật mới đặt các thỏa thuận của Bắc Kinh với các chính quyền địa phương vào "bàn tay" của Canberra.
Mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước tiếp tục trượt dài trong tuần này khi Australia thông qua luật vào 8/12 cho phép bộ ngoại giao nước này hủy bỏ các thỏa thuận được thực hiện giữa chính quyền địa phương và nước ngoài.
Một biên bản ghi nhớ năm 2018 giữa chính quyền bang Victoria và Bắc Kinh có thể sẽ là đối tượng đầu tiên gặp trở ngại khi luật có hiệu lực vào năm tới.
Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 9/12 lên tiếng tìm cách bảo vệ kế hoạch cơ sở hạ tầng và phát triển toàn cầu của nước mình cũng như thỏa thuận đã ký với Victoria.
“Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Victoria trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường có lợi cho việc nâng cao phúc lợi của người dân cả hai bên”, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo.
Quan chức Trung Quốc nói trong khi các vấn đề lập pháp là "công việc nội bộ" của Australia, Trung Quốc hy vọng Canberra sẽ hành xử theo "cách khách quan và hợp lý lẽ".
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng những kết quả hợp tác khó đạt được giữa Trung Quốc và Australia trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, nhân văn và địa phương trong những năm qua là vì lợi ích chung của cả hai bên”, ông Triệu nói thêm.
Tuần trước, người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã đăng hình ảnh giả trên mạng xã hội mô tả binh sĩ Australia đang cầm dao kề cổ một em nhỏ Afghanistan, gây ra sự phản đối kịch liệt của công chúng ở Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết vụ việc đã đưa quan hệ xuống “mức thấp mới tồi tệ”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xin lỗi và thiết lập lại mối quan hệ.
Việc thông qua luật mới cũng diễn ra sau một loạt các cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Canberra về các vấn đề khác nhau như việc Australia cấm tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, các hạn chế của Trung Quốc đối với thực phẩm, rượu và nguyên liệu thô của Australia.
Thủ hiến của Victoria, Daniel Andrews, lo ngại việc phá vỡ thỏa thuận sẽ không đem đến mục tiêu thiết lập lại mối quan hệ, bên cạnh đó ảnh hưởng đến việc cung cấp việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu.
James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng động thái của Canberra là kết quả của nhiều năm xung đột.
“Hoàn toàn có một sự thay đổi ở Australia đối với vành đai và con đường trong những năm qua. Cách đây không lâu, Australia cởi mở hơn trong hợp tác”, ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/2018 với hãng tin Trung Quốc Caixin, ông Morrison cho biết Australia hoan nghênh việc phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á theo kế hoạch vành đai và con đường. Nhưng vào tháng 6 năm nay, ông cho biết kế hoạch này không được chính sách đối ngoại của Australia công nhận vì nó không phù hợp với lợi ích quốc gia của nước này.
Laurenceson nói: “Điều có khả năng gây ra sự thay đổi không chỉ là dư luận về Trung Quốc ở Australia, mà là việc Bắc Kinh ngày càng sử dụng gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Canberra”.
Theo một cuộc thăm dò vào tháng 10 của Trung tâm Nghiên cứu Pew và tổ chức tư vấn của Mỹ, 81% người Australia có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc vào năm 2020, tăng từ 57% một năm trước đó.