Bách Hóa Xanh lỗ 8.600 tỷ đồng, đối tác ngoại có bất chấp mua vào?

(ĐTTCO) - Đến thời điểm hiện nay, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) vẫn đang gánh khoản lỗ 8.600 tỷ đồng từ chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX). Vì vậy, thông tin BHX đang được đối tác ngoại “dòm ngó” liệu có đáng tin? 

Bách Hóa Xanh lỗ 8.600 tỷ đồng, đối tác ngoại có bất chấp mua vào?

Lỗ luỹ kế 8.600 tỷ đồng

MWG là nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại và điện tử tiêu dùng. Trong đó, mảng điện thoại và điện tử tiêu dùng của MWG hiện chiếm hơn 50% thị phần và tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam cũng như sự chuyển dịch theo hướng thương mại hiện đại.

Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, MWG bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sụt giảm tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm không thiết yếu trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Vì lý do này, lãnh đạo MWG quyết định đánh đổi tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận gộp của chuỗi siêu thị Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) bằng việc tham gia vào "cuộc chiến giá rẻ".

Kết quả của "cuộc chiến giá rẻ" này là sự sụt giảm lợi nhuận thê thảm của MWG trong năm 2023. Theo đó, lợi nhuận ròng năm 2023 của MWG giảm đến 96% so với năm 2022, đạt 168 tỷ đồng.

Trong bức tranh đầy gam màu tối của MWG, chuỗi BHX bất ngờ ghi nhận kết quả khả quan. Theo đó, doanh thu/cửa hàng BHX trong quý IV-2023 đạt trung bình 1,8 tỷ đồng (tăng 32%) nhờ vào việc đẩy mạnh tiêu thụ mảng thực phẩm tươi sống. Cũng nhờ quyết định chuyển đổi này, doanh thu quý IV-2023 của BHX tăng 30%, lỗ ròng giảm xuống còn 306 tỷ đồng, so với mức lỗ 715 tỷ đồng trong quý IV-2022.

Tuy nhiên, với 7 năm ròng rã thua lỗ, đến thời điểm hiện nay, MWG vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế của BHX lên đến 8.600 tỷ đồng.

Tự tin thái quá?

Có một chi tiết đáng chú ý là doanh thu/cửa hàng BHX đã gần chạm mốc 1,9 tỷ đồng/tháng trong tháng 12-2023. Sau khi trừ đi chi phí phát sinh 1 lần hạch toán trong quý IV và 1 phần chi phí khấu hao liên quan đến việc giảm diện tích, BHX đã đạt mục tiêu hòa vốn trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cũng nhờ kết quả này, lãnh đạo MWG bắt đầu có những phát ngôn mà nhiều nhà đầu tư ví von là “chém gió”. Mới đây, trong buổi gặp gỡ nhà đầu, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho rằng kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng (gấp hơn 14 lần so với năm 2023) trong năm 2024 không phải là con số cao.

"Sau tái cấu trúc, phần lớn chi phí của MWG bây giờ là biến phí, những khoản phí mang tính cố định đã không còn nhiều như trước. Cho nên, dù doanh thu có tăng hay giảm thì chi phí sẽ bám theo doanh thu. Với cách vận hành mới, lợi nhuận MWG sẽ được bảo đảm. Do đó, con số mục tiêu 2.400 tỷ đồng lợi nhuận năm 2024 là trong tầm tay", ông Tài khẳng định.

Trái ngược với sự tự tin của ông Tài, đầu tháng 2 vừa qua, nhóm cổ đông lớn tại MWG là Dragon Capital thông báo đã bán ra 346.000 cổ phiếu MWG. Sau giao dịch, sở hữu của nhóm Dragon Capital tại MWG giảm từ 87,75 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6%) xuống còn 87,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,97%).

Được biết, tại thời điểm tháng 11-2023, nhóm Dragon Capital còn đang sở hữu tới 105,2 triệu cổ phiếu MWG. Như vậy trong vòng 3 tháng gần nhất, nhóm quỹ ngoại này đã bán ròng 17,8 triệu cổ phiếu MWG.

Mới đây, một thành viên HĐQT của MWG là ông Robert Alan Willett đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu MWG. Với thị giá hiện tại là 46.000 đồng, ông Robert Alan Willett dự kiến thu về 55 tỷ đồng. Theo giải thích, ông Robert Alan Willett sẽ dùng số tiền bán cổ phiếu này để mua nhà cho vợ.

Được biết, ông Robert Alan Willett tham gia vào HĐQT MWG từ tháng 4-2013. Ông Robert Alan Willett được mệnh danh là "guru" (người xuất chúng, am hiểu cao nhất) trong ngành bán lẻ thế giới.

Sự thật hay tin đồn?

Những ngày gần đây, giới đầu tư xôn xao với thông tin từ Reuters liên quan đến BHX. Theo đó, CDH Investments đang đàm phán mua lại cổ phần thiểu số của chuỗi BHX từ MWG. Nguồn tin từ Reuters cho biết CDH Investments hiện là ứng cử viên hàng đầu để mua lại tối đa 10% cổ phần BHX sau khi vượt qua các đối thủ cạnh tranh.

CDH Investment được thành lập vào năm 2002, là một trong những công ty cổ phần tư nhân đầu tiên của Trung Quốc, nổi tiếng với các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong các ngành truyền thống như tiêu dùng và sản xuất.

Hiện tại, CDH Investment quản lý tài sản hơn 27 tỷ USD. Đáng chú ý, CDH Investment hiện là nhà đầu tư lớn của thương hiệu điện gia dụng Midea.

Có thế nói, thông tin trên đã tác động tích cực tới giá MWG trong 2 phiên giao dịch gần đây. Cụ thể, MWG tăng 1,23% phiên 28-2 và 2% phiên 29-2.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhà đầu tư nên thận trọng khi quyết định đua lệnh mua MWG, bởi tất cả những thông tin kể trên chưa được xác thực từ chính lãnh đạo doanh nghiệp.

Trước đó, thị trường xuất hiện thông tin MWG đàm phán bán cổ phần tối thiểu tại BHX. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mua MWG đón đầu thông tin này bị thua lỗ sau khi doanh nghiệp này thông báo tạm hoãn bán vốn với lý do "điều kiện thị trường không được thuận lợi".

Các tin khác