Chính sách giãn cách gây ra sự phân hoá trong hoạt động bán hàng
Doanh thu thuần trong quý III của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) giảm 5% xuống còn 24.300 tỷ đồng do kết quả kinh doanh trái chiều của các chuỗi chủ chốt. Trong đó, doanh thu của chuỗi cửa hàng điện tử tiêu dùng Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX) đạt 15.100 tỷ đồng (giảm 24%) do tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng (SSSG) giảm 36% vì 60-70% tổng số cửa hàng bị tạm đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động.
Ngược lại, doanh thu của Bách Hóa Xanh (BHX) tăng 62% lên 9.200 tỷ đồng với SSSG tăng lên 36% trong quý III do nhu cầu tích trữ đột biến gây ra bởi giãn cách xã hội. Do đó, đóng góp từ BHX đã tăng lên 38% trong quý III.
Như vậy, 9 tháng đầu năm 2021, TGDĐ và ĐMX có SSSG giảm xuống mức 10%, trái ngược với mức tăng 12% của các cửa hàng BHX.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), mặc dù các chính sách giãn cách xã hội gây diễn biến trái chiều trong doanh thu tại cửa hàng của các chuỗi này, nó đã thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến toàn hệ thống mặc dù vẫn có một số hạn chế trong việc phân phối các sản phẩm không thiết yếu trong thời gian giãn cách.
Ước tính doanh thu bán hàng trực tuyến của TGDĐ và ĐMX tăng mạnh trong quý III, đạt hơn 3.700 tỷ đồng (tăng 66%) và doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 8.600 tỷ đồng (tăng 21%). Trong khi đó, mức cơ sở thấp vào năm 2020 đã giúp BHX tăng doanh số bán hàng trực tuyến gấp hơn 5 lần trong 9 tháng.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng BHX suy giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận
Doanh thu trên mỗi cửa hàng BHX đạt đỉnh 2.200 tỷ đồng vào tháng 7 đã giúp chuỗi này có lãi ròng trong quý III vào khoảng 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đã bắt đầu giảm từ đỉnh 2,1 tỷ đồng xuống chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng vào tháng 9 và tháng 10.
Nguyên nhân là do siết chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 đã cản trở hoạt động bán hàng tại cửa hàng. Sức mua giảm tại các siêu thị giảm sau khi người dân rời khỏi các vùng đô thị phía Nam, nơi đóng góp gần 50% doanh thu trong điều kiện bình thường và các kênh chợ truyền thống mở cửa trở lại.
Với điều kiện kinh doanh không được thuận lợi, cộng với làn sóng tẩy chay sau nghi vấn trục lợi trong đại dịch, BHX nhiều khả năng sẽ lỗ trong IV, sau khi bất ngờ có lãi ròng trong trước.
Việc BHX đứng trước nguy cơ bị lỗ trở lại trong quý IV cộng với động thái đăng ký bán ra CP của lãnh đạo MWG khiến cho giới đầu tư đặt dấu hỏi về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, đăng ký bán ra 1 triệu CP. Dự kiến, giao dịch thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận, trong khoảng thời gian từ 3-12 đến 31-12.
Được biết, ông Tài đang sở hữu hơn 18 triệu CP MWG, tương đương 2,533% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, ông chủ MWG sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,393% vốn điều lệ, tương đương 17 triệu CP.
Với thị giá hiện tại của MWG là 138.900 đồng/CP, nếu bán hết 1 triệu CP như đăng ký, ông Tài sẽ thu về khoảng 139 tỷ đồng. Mục đích đăng ký bán CP của ông Tài là phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.