Kết thúc năm 2012 nhiều dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 đã được đưa ra. Dù có đôi chút chênh lệch nhưng tất cả đều có chung nhận định kinh tế thế giới năm 2013 sẽ có MỨC tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước những dự báo không mấy khả quan, liệu Việt Nam có tìm thấy cơ hội xuất khẩu trong những thách thức này?
Dù đã có chỗ đứng trên thị trường của 120 nước trên khắp thế giới, song hành trình xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong năm 2013 vẫn được đánh giá còn nhiều gian nan.
Cũ, mới đều khó
Những năm gần đây, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) là 3 thị trường dẫn đầu tiêu thụ sản phẩm gỗ Việt Nam với gần 80% tổng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Trong đó EU chiếm 28%, Nhật Bản chiếm khoảng 10%, riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 40% và giữ ở ngôi vị hàng đầu về mức tăng trưởng nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam.
Trong năm 2013 này, một số DN đã nhận được đơn hàng đến giữa năm từ các đối tác Hoa Kỳ. Song sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại 3 thị trường này đang có phần giảm sút.
Sản xuất đồ gỗ trong nước cần được hỗ trợ hơn nữa. Ảnh: CAO THĂNG |
“Các yếu tố đầu vào liên tục tăng khiến giá thành sản phẩm không thể không tăng theo. Điều này khiến sức cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam bị giảm sút nhiều khi xuất khẩu ra các nước trên thế giới” - ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội kỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), chia sẻ.
Chưa hết, kể từ tháng 3-2013, quy chế mới của EU về tính hợp pháp của gỗ (FLEGT) sẽ chính thức có hiệu lực. Thực ra khi đáp ứng được Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ từ tháng 4-2010, việc đáp ứng FLEGT sẽ không gây ra nhiều khó khăn cho DN Việt Nam.
Tuy nhiên, điều khiến DN e ngại là đang phải gồng mình với quá nhiều chứng chỉ trong quá trình xuất khẩu, trong khi đơn hàng từ EU chưa có dấu hiệu khả quan do những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trước những khó khăn của thị trường truyền thống, việc tìm đến những thị trường mới “dễ tính” hơn đang là lựa chọn của khá nhiều DN trong ngành. Song bài toán đi tìm thị trường mới thực ra không hề đơn giản.
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, nói: “Để có thể thâm nhập thị trường mới, DN phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để tìm hiểu thị trường. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, việc phải bỏ thêm kinh phí là điều không đơn giản với nhiều DN”.
Ông Thành cho biết Trường Thành cũng đã từng thất bại khi vào Trung Đông do văn hóa tiêu dùng của họ rất khác.
Tương tự, nếu Nam Phi chấp nhận sản phẩm gỗ của Việt Nam, các nước lân cận lại không. Còn với những thị trường mới thuộc khu vực châu Á như Hồng Công, Ấn Độ, Hàn Quốc, miếng bánh thị phần cũng đang bị chia nhỏ. Trước những khó khăn đó, muốn tồn tại các DN buộc phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động, như tổ chức lại dây chuyền để tiết giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa để lấy ngắn nuôi dài.
Trong đó việc quay về thị trường nội địa đang được xem là một mũi tên trúng 2 đích của không ít DN, khi vừa có thể chiếm lại thị trường nội, vừa duy trì hoạt động sản xuất chờ khi xuất khẩu ấm lên. Nhưng thực tế việc quay về thị trường nội có dễ như một số DN toan tính?
Ảo vọng nội địa?
Con số 3 tỷ USD (quy mô thị trường nội địa) mà một số DN đưa ra trước đây đang bị không ít ý kiến phản bác bởi thiếu tính thực tế. Theo một số nghiên cứu, người Việt Nam chi tiêu khoảng 11USD/năm cho đồ gỗ. Như vậy, quy mô thị trường chỉ khoảng 1 tỷ USD. Tất nhiên, mức tiêu thụ nội địa có thể tăng nhưng chưa thể nhiều trong vài năm tới.
“Có nhiều ý kiến cho rằng thị trường đồ gỗ Việt Nam đang bị chiếm lĩnh bởi hàng nhập khẩu. Nhưng không hoàn toàn như vậy, vì nếu đi khảo sát sẽ thấy hàng của các cơ sở nhỏ trong nước đang chiếm khá nhiều” - ông Đặng Quốc Hùng nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Võ Trường Thành chia sẻ thêm kinh nghiệm của một DN với 7 năm tham gia thị trường nội địa: “Thị trường trong nước không quá tốt và không quá lớn như nhiều người nghĩ. Cộng thêm việc không một quốc gia nào chỉ sử dụng đồ gỗ trong nước. Chính vì vậy việc quay về thị trường nội không thể bù đắp cho xuất khẩu”.
Gần đây, việc một nhóm DN xuất khẩu lớn của HAWA bắt tay nhau nhằm chiếm lại thị trường nội địa đang nhận được khá nhiều sự quan tâm. Ủng hộ có, nhưng lo lắng cũng không ít vì người ta lo ngại những “ông lớn” này khó tìm được tiếng nói chung.
Quy mô thị trường chưa lớn, nhưng muốn quay về nội địa các DN phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ do phải đầu tư một đội ngũ riêng và thành lập một hệ thống phân phối mới. “Tất cả khiến chi phí bị đội thêm lên” - ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Sadaco, giãi bày.
Năm 2013 với các DN trong ngành gỗ sẽ là một thách thức lớn và chưa thể nói trước điều gì khi năm mới vừa gõ cửa. Rất có thể tình hình kinh tế thế giới sẽ ấm lên, đơn hàng của các DN sẽ nhiều hơn vào nửa cuối năm 2013. Song dù thế nào thì chỉ tiêu của năm sau luôn phải cao hơn năm trước. Tuy nhiên vẫn có điểm sáng để chúng ta kỳ vọng, đó là cho đến nay, dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam vẫn luôn cán đích.
(Còn tiếp)