(ĐTTCO) - Người chuyển nhượng bất động sản giá trị lớn, mua bán cổ phiếu... đang bị nguy cơ nộp thuế thu nhập hai lần, hoặc lỗ vẫn phải nộp thuế…
Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2012 bổ sung một khoản thu nhập phải chịu thuế là “từ chuyển nhượng BĐS dưới mọi hình thức”. Vậy là nhiều người bán nhà, đất thông qua hợp đồng ủy quyền phải đóng thuế TNCN đến hai lần.
Đóng thuế gấp đôi
Gửi thông tin lên trang web của Bộ Tài chính, bà H. (ở Hải Phòng) nêu khúc mắc: Bà có mua một căn nhà của cặp vợ chồng đang ở Mỹ, thỏa thuận bà sẽ lo toàn bộ thuế. Nhưng chỉ vì cặp vợ chồng này ủy quyền cho người em làm thủ tục chuyển nhượng nên chi cục thuế quận đã yêu cầu người em (được ủy quyền) và chính chủ (người ủy quyền) phải đóng thuế.
Tính ra, bà H. phải đóng thay hai lần thuế TNCN.
Tại TP.HCM, Tuổi Trẻ cũng từng phản ánh việc ông M. được bà O. và người đồng sử dụng ủy quyền chuyển nhượng hai lô đất ở P.An Phú, Q.2. Kết quả, Chi cục Thuế Q.2 đề nghị ông đóng thuế TNCN cho phần ông là 2% giá chuyển nhượng. Người ủy quyền cũng vẫn phải chịu thuế với mức tương đương!
Ai bảo đủ năng lực lại đi ủy quyền?
Phải nói ngay việc đánh thuế hai lần đối với các trường hợp ủy quyền bán nhà, đất không phải chỉ được thực hiện khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN 2012.
Trước đó, Tổng cục Thuế trong văn bản hướng dẫn các cục thuế địa phương đã tự khẳng định: Việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà ủy quyền cho cá nhân khác không thuộc đối tượng được miễn thuế (như vợ, chồng, anh, chị, em ruột, cha, mẹ...) trong việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt BĐS của mình..., đồng thời bên được ủy quyền không nhận thù lao thì thực chất đây là hoạt động mua, bán BĐS.
Do đó người ủy quyền phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế TNCN. Từ chỉ đạo này mà nhiều địa phương đã yêu cầu người bán nhà, đất theo ủy quyền phải nộp hai khoản thuế.
Theo các chuyên gia, quy định trên là trái với Bộ luật dân sự. Bởi không thể suy đoán có việc né thuế để đồng nhất hợp đồng ủy quyền với hợp đồng mua bán. Vì lẽ này, một số người sau khi miễn cưỡng nộp thuế để được giải quyết hồ sơ bán nhà, đã cố gắng khởi kiện để đòi cơ quan thuế hoàn tiền.
Đáng lưu ý là do “thuế ủy quyền BĐS” này chỉ được Tổng cục Thuế quy định chứ không có trong Luật thuế TNCN nên đã có nhiều trường hợp được tòa xử thắng kiện.
Không nên tận thu vì sợ thất thu
Luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: “Đồng nhất hợp đồng ủy quyền và hợp đồng mua bán nhà, đất là việc làm không phù hợp với các quy định của Bộ luật dân sự. Người được ủy quyền không thể bị xem là người có thu nhập chịu thuế theo quy định tại khoản 1, điều 2, Luật thuế TNCN 2007. Do vậy quy định về “thuế ủy quyền BĐS” cần sớm được Quốc hội xem xét bãi bỏ”.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng đồng quan điểm: “Có thể có người dùng hợp đồng ủy quyền để che giấu việc mua bán nhà nhằm trốn thuế nhưng theo tôi nó không phổ biến vì có nhiều rủi ro cho người mua. Vậy nên để thuận lòng dân và đảm bảo căn cứ pháp lý, bên cạnh việc bỏ “thuế ủy quyền BĐS”, Quốc hội nên yêu cầu ngành thuế tính toán kiểm soát được thu nhập để thu đủ thuế cho ngân sách”.
Bán lỗ vẫn phải nộp thuế
Trước đây, Luật thuế TNCN quy định có hai phương pháp tính thuế khi chuyển nhượng BĐS là tính 2% trên giá chuyển nhượng hoặc 25% trên chênh lệch giá bán - giá mua. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế áp dụng từ ngày 1-1-2015 chỉ còn áp dụng một mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng BĐS.
Với chứng khoán cũng tương tự, áp dụng một mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứ không phải trên lợi nhuận. Sau một thời gian áp dụng, nhiều người nộp thuế rất bức xúc vì bán lỗ vẫn phải nộp thuế.
Anh T.X.T. (Q.4, TP.HCM) cho biết anh mua căn hộ chung cư trên đường Khánh Hội giá 4,2 tỉ đồng, tuy nhiên sau đó cần thu hồi vốn anh bán đi với giá 4 tỉ đồng, chịu lỗ 2% nhưng vẫn phải nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng, tức lỗ thêm 80 triệu đồng.
“Nếu tính theo phương pháp 25% trên lợi nhuận thì rõ ràng tôi không phải nộp thuế vì bán lỗ. Tuy nhiên, việc quy về một mức 2% dễ dàng cho việc thực hiện thu thuế của cơ quan thuế, hạn chế việc tranh cãi nhưng điều này lại gây thiệt hại cho quyền lợi chính đáng của người nộp thuế” - anh T.X.T. bức xúc.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc của thuế thu nhập tức là phải có thu nhập mới phải nộp thuế. Tuy nhiên việc quy về một mức 2% là tiện cho cơ quan thuế nhưng lại dẫn đến “thu nhầm còn hơn bỏ sót”.
Dù thừa nhận thực tế là khi có quy định người dân được chọn lựa giữa hai mức thuế 25% hoặc 2% thì cũng khó có trường hợp nào được hưởng mức thuế 25% trên lợi nhuận do không có đầy đủ chứng từ hợp pháp, nhưng ông Châu cho rằng cơ quan thuế nên có nghiên cứu sao cho tránh trường hợp khi áp dụng chính sách chỉ tiện cho cơ quan thuế, còn người nộp thuế bị thiệt hại quyền lợi.
Bộ Xây dựng từng không đồng ý
Năm 2011, Bộ Xây dựng từng có ý kiến không đồng ý với Bộ Tài chính về việc thu “thuế ủy quyền BĐS”.
Lý do được Bộ Xây dựng nêu ra là người được ủy quyền chỉ thay mặt chủ sở hữu thực hiện việc chuyển nhượng BĐS, việc ủy quyền không làm phát sinh việc chuyển dịch quyền sở hữu, cũng không làm phát sinh thu nhập.
Tại TP.HCM, Sở Tư pháp cũng từng gửi công văn kiến nghị Bộ Tư pháp kiểm tra, xử lý công văn thu “thuế ủy quyền BĐS” vì có dấu hiệu trái pháp luật. Tuy nhiên, đến nay quy định trên vẫn được áp dụng nên người dân vẫn có khả năng phải nộp thuế hai lần...