Chiều ngày 26-11-2022, Đoàn đại biểu Bangladesh do Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumder dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II).
Buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh và các thành viên trong đoàn nhằm tìm hiểu về tình hình sản xuất lúa gạo Việt Nam, năng lực, quy mô của VINAFOOD II, đồng thời cập nhật về tiến độ thực hiện hợp đồng đang thực hiện giữa hai bên. Qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bangladesh và Việt Nam, cũng như Công ty Đầu mối DGF và VINAFOOD II sẽ ngày càng phát triển.
Là doanh nghiệp đầu mối dại diện cho Việt Nam cung cấp gạo cho Bangladesh theo Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam với Tổng Cục Lương thực Bangladesh, ông Nguyễn Huy Hưng, Chủ tịch HĐQT VINAFOOD II đã giới thiệu với đoàn về năng lực, quy mô của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Huy Hưng, VINAFOOD II được thành lập từ năm 1976 và là doanh nghiệp nhà nước có quy mô hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo lớn nhất cả nước. Từ tháng 9-2018, VINAFOOD II chuyển đổi thành Công ty cổ phần với tên chính thức là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (VINAFOOD II), trong đó nhà nước sở hữu trên 51% cổ phần.
Đối với thị trường Bangladesh, VINAFOOD II đã làm đầu mối cung cấp gạo theo MOU trong nhiều năm nay. Trong đó, năm 2011 cung cấp 450.000 tấn; năm 2017 cung cấp 250.000 tấn; năm 2021 cung cấp 52.500 tấn gạo trắng; và năm 2022 cung cấp 230.000 tấn gạo.
Để tiếp tục được làm đầu mối cung cấp gạo cho Chính phủ Bangladesh trong thời gian tới thông qua MOU giữa hai nước, ông Nguyễn Huy Hưng đề xuất sẽ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Bộ Lương thực, Cục lương thực và các bộ ngành phía Bangladesh xem xét gia hạn MOU đã ký giữa hai nước năm 2017 và sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Sadhan Chandra Majumder, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh, đánh giá cao VINAFOOD II, là nhà cung cấp gạo đáng tin cậy, đúng thời gian cho Bangladesh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh, sản lượng lúa gạo của nước này chưa đủ để cung cấp cho 170 triệu dân, do đó, Bangladesh vẫn cần phải nhập khẩu gạo, với những nguồn cung chính là Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar. Trên tinh thần đó, Bangladesh đã đồng ý gia hạn MOU về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm.