Báo chí là người đồng hành với sự phát triển và văn minh xã hội

(ĐTTCO) - Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ truyền thông số vào đời sống xã hội. Điển hình nhất là báo điện tử, được độc giả gọi là báo mạng, báo online.
Báo chí là người đồng hành với sự phát triển và văn minh xã hội

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và có kết nối internet, độc giả liền có thể đọc mọi thứ trên nền tảng truyền thông số, bao gồm cả báo điện tử và mạng xã hội (MXH). Đó chính là xu thế tất yếu.

Song cũng chính vì xu thế này, sự cạnh tranh giữa báo chí và MXH trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, không chỉ báo chí mà người đọc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là thách thức về sự “chuyển mình” của báo chí hiện nay. Đơn cử như sự thay đổi giữa hình thức báo truyền thống (báo giấy) sang báo điện tử, hay bản thân báo điện tử hiện cũng đang có những đổi mới, cải tiến cho phù hợp với môi trường số cũng như cách tiếp cận của độc giả.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, thời gian trước khi chưa có báo điện tử, nhiều độc giả mong chờ báo giấy từ sáng sớm tinh mơ với tâm thế háo hức, nay độc giả không còn tâm trạng đó. Báo điện tử cập nhật tin tức với tốc độ của con Kanguru, thậm chí nửa tiếng đã có một tin mới.

Lợi thế của việc làm báo điện tử là chỉ cần chịu khó theo dõi MXH, phóng viên có thể tìm được những điều mình muốn, nhân vật mình cần, sự kiện mình cần theo đuổi một cách dễ dàng. Thời của báo điện tử, MXH và báo điện tử là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, kiểm soát tính chính danh và độ trung thực thông tin lẫn nhau.

Nếu báo giấy không thể đưa trọn vẹn một bài điều tra dài, không đủ “đất” để đăng một bài phỏng vấn dạng “long form”, nay báo điện tử có thể làm tốt những việc đó mà không phụ thuộc vào khuôn khổ. Thậm chí, một số tờ điện tử nay đã nâng cấp thiết kế để những vấn đề nóng, quan trọng trở nên hấp dẫn hơn theo kiểu tạp chí, cả về nội dung lẫn cách trình bày. Tuy nhiên, nếu báo giấy đem lại cảm giác “thèm thuồng” tin tức, báo điện tử lại khiến người ta trở nên luôn trong trạng thái “bùng nổ” kéo dài.

Mà cái gì quá chưa hẳn đã tốt. “bùng nổ” mãi mà không được lắng lại chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thần kinh. Cũng chính vì khả năng tiếp cận độc giả quá nhanh, mặt trái, mặt tiêu cực của báo điện tử lại khiến cả độc giả lẫn nhà báo không thể “tiêu hóa” chậm rãi vô số thông tin, không có khoảng lặng để thẩm thấu thông tin và từ đó phản ứng có trách nhiệm với thông tin.

Ngoài ra, áp lực đưa tin sớm, đưa tin trước các tờ khác cũng là lý do một số báo điện tử không kịp xác minh thông tin, thậm chí không xác minh mà vội vã đưa lên chỉ với mục đích nhanh hơn báo bạn. Chưa kể, có báo điện tử chỉ vì muốn có lượt view thật nhiều, đã đưa những thông tin giật gân, tin giả mà hoàn toàn không có sự kiểm chứng nguồn gốc. Hệ quả, thông tin đưa lên bị phản ứng, phải gỡ xuống. Điều này làm vơi dần niềm tin của độc giả.

Báo chí, truyền thông từ khi sinh ra đến nay vẫn là một trong bộ tứ quyền lực. Nhưng cũng chính vì báo chí là một thứ quyền lực mềm, nên nhà báo, tờ báo càng phải đưa tiêu chí trung thực lên hàng đầu. Thách thức lớn nhất của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin trên nền tảng MXH, là giữ được bản lĩnh trung thực của ký giả và sự dấn thân của ký giả.

Nhà báo/cơ quan báo chí bên cạnh những hỗ trợ từ công cụ truyền thông số, còn phải đảm bảo huấn luyện cho phóng viên tinh thần trách nhiệm cao trước mỗi thông tin và sự kiện. Phóng viên buộc phải hiểu ảnh hưởng của thông tin mình đưa ra để quyết định đưa tin hay không đưa tin. Bởi chỉ cần một cú enter, rất có thể số phận một doanh nghiệp, một cá nhân, một tổ chức sẽ thay đổi, phụ thuộc vào tính trách nhiệm của phóng viên/tờ báo.

Tôi cho rằng báo chí đừng bao giờ là “công cụ” cho một nhóm nào đó, thế lực nào đó. Hãy coi báo chí là người đồng hành với sự phát triển và văn minh xã hội, luôn bảo vệ nhân dân và bảo vệ quốc gia. Hãy để độc giả yêu báo chí như vị thần đất trong cánh đồng bát ngát thông tin.

Các tin khác