Cần sát thực tế
Đợt “ra quân” khắc chế giá thịt lợn lần này trở nên rất quan trọng, các cơ quan chức năng phát huy thành công đợt trước, “tấn công” tổng lực có bài bản. Song nghe chừng thịt lợn ỷ thế vào “mẹ thị trường” nên vẫn cứ ương ngạnh, đồng loạt tăng giá ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Nhưng phải đến tận phản thịt ở chợ, vào trong lò mổ mới thấy ngóc ngách của sự khó bảo này. Trên ra lệnh cho các doanh nghiệp lớn hạ giá, nhưng nếu các bà hàng thịt cứ chờ nguồn thịt của các đại gia hẳn sẽ “treo dao, mốc thớt”, còn mâm bát các gia đình cũng nhạt phèo.
Tư lệnh ngành Canh nông có đã mời các đại gia chuyên ngành thịt họp và đạt được cam kết sẽ kéo giá xuống. Nhưng khốn nỗi 15 doanh nghiệp lớn trong ngành thịt chỉ “bao” được 35% thị trường, còn lại 65% là các hộ chăn nuôi tản mát khắp cả nước, họ chưa thể “tuân thượng lệnh”.
Xoay sang chuyện cho nhập khẩu (NK) gấp thịt lợn từ Nga để “hạ gục” giá chợ. Đâu phải cứ vung tiền ra là thịt về ngay, tỏa ra cả nước, đến từng phản thịt, ai sẽ sùy tiền ra nhập hàng. Các bà bán thịt ở khắp các chợ chỉ biết nhận hàng từ sớm tinh mơ do các tay xe máy vắt ngang yên sau con lợn từ lò mổ chở tới. Thế là các phản thịt hối hả, hùng hục chặt, pha, xẻ, cắt… bán cho các bà nội chợ chầu sẵn. Giá thịt lợn mỗi nơi một giá, giá thịt tại phản chợ dân sinh với thịt trong quầy lạnh của chợ nhà giàu cũng khác nhau, nhưng nó giống nhau là đỏng đảnh, khi xuống, lúc lên.
Còn việc NK thịt lợn, tính đến ngày 27-3, cả nước mới nhập được hơn 39.000 tấn trong tổng số chỉ tiêu là 100.000 tấn thịt. Tuy nhiên, nhập về là một chuyện còn người tiêu dùng có màng tới thịt “lạnh” hay không, hay lại quay lưng và vẫn chọn thứ thịt “nóng” mới ra từ lò mổ lại là một câu chuyện khác. Trong quá khứ, Việt Nam từng XK thịt sang Liên Xô cũ, trả nợ cho Nga, nay lại phải cấp tốc NK thịt từ bên họ.
Trên bảo dưới không nghe
Trên bảo dưới không nghe
Đã chỉ đạo rồi mà giá thịt lợn vẫn “nhảy múa”, vậy phải truy trách nhiệm cho ai? Mặc dù Bộ NN&PTNT đã họp và tức tốc có văn bản gửi các địa phương. Kết quả là tất cả 15 DN lớn đều đã đồng loạt giảm giá bán lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4, thậm chí có đơn vị còn xuống 65.000-67.000 đồng/kg.
Thế nhưng tại sao các tỉnh/thành vẫn để giá đã lên? Phải chăng chính địa phương phải chịu trách nhiệm. Nhưng thời nay đâu phải thời bao cấp, các tỉnh/thành không còn các công ty thực phẩm, chẳng còn trại chăn nuôi quốc doanh, kiếm đâu ra mậu dịch viên bán thịt lợn để mà quy trách nhiệm?
Hay trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương? Nhưng Bộ Công thương cũng đã họp, cũng tức tốc lệnh cho đơn vị liên quan trình Chính phủ cần xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá. Thậm chí, cần áp dụng các biện pháp mạnh mà pháp luật cho phép là áp giá trần và mỗi một lần tăng giá 5% thì theo quy định của Luật Giá các doanh nghiệp phải báo giá với cơ quan quản lý nhà nước.
Như vậy 2 bộ cùng các địa phương miễn trách. Vạn bất đắc dĩ, nếu có bị quy là thiếu tinh thần trách thì hẳn cũng chỉ là rút kinh nghiệm.
Lúc này, “quả bóng trách nhiệm” được hất ngược lên trên. Nhưng ngay cả khi Chính phủ quyết định thì rất cũng phải theo quy trình từ ban hành văn bản đến thực hiện, rồi rềnh rang phải dăm bữa nửa tháng nữa, trong khi đó thì thịt lợn vẫ cần cho từng bữa cơ gia đình.
Từng có một vị chuyên gia hiến kế, dù mua bán trên thị trường là sự thỏa thuận giữa 2 bên, nhưng những hành động vô cảm trong lúc khó khăn chung của mọi người để hưởng lợi nhuận quá mức vô lý, nhất là trong khi Chính phủ đã kêu gọi phải liên kết, phải chia sẻ, kể cả chia sẻ lợi nhuận thì những hành vi như trên cần phải lên án và phải có những giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm. Phải nghiêm trị các bà bán thịt về tội ”vô cảm”, làm gương cho những kẻ “thừa gió bẻ măng” trong cơn khốn đốn này.
Thực ra chuyện bão giá thịt lợn không mới. Ngược với cơn tăng giá hiện nay, năm 2017 đã xảy ra cuộc khủng hoảng thịt lợn và cuộc giải cứu chưa từng có khi giá thịt lợn lao dốc chạm đáy. Các cơ quan chức năng phải lệnh giải thoát để cứu người chăn nuôi, cứu đàn lợn. “Cơn bão hạ giá lợn” bắt đầu từ tháng 10-2016.
Vào thời điểm ấy, thay vì tăng giá theo quy luật thị trường do cận kề Tết Nguyên đán, giá thịt lợn lại bất ngờ giảm sâu. Càng cận Tết, giá lợn hơi càng giảm, các địa phương như Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Đồng Nai... giá bán thịt lợn hơi chỉ còn 25.000 -30.000 đồng/kg, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Một trong các nguyên cớ được cho là do XK thịt lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc ách tắc. Nhưng oái oăm là khi phía Trung Quốc đột ngột qua vét mạnh thì lại giật mình, không khéo lại xảy ra bão giá ngược.