Xuống cấp, quản lý lỏng lẻo
Theo số liệu thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TPHCM có 1.227 biệt thự xây trước năm 1975, tập trung nhiều nhất ở quận 1 và 3, trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai... Trong số các biệt thự cổ trên, có 16 căn xếp vào nhóm 1 - biệt thự cũ có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ, được đề xuất bảo tồn nguyên trạng tại 113 Hai Bà Trưng, 170 Pasteur, 172 Pasteur, 3 Phùng Khắc Khoan, 7 Phùng Khắc Khoan (quận 1).
Tại quận 3 có các biệt thự 11 Ngô Thời Nhiệm, 60 Võ Văn Tần, 110-112 Võ Văn Tần, 124 Cách Mạng Tháng Tám, 33 Lê Quý Đôn. Có 49 biệt thự khác được xếp vào nhóm 2 - biệt thự cũ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa… Những căn biệt thự này do Hội đồng Phân loại biệt thự TP xác định, lập danh sách và trình UBND TP phê duyệt, sẽ bảo tồn theo nguyên tắc giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng, độ cao.
Căn biệt thự 86 Sương Nguyệt Anh ở quận 1. Ảnh: M.TUẤN
Thế nhưng, sau khi đưa vào danh mục bảo tồn, TP vẫn chưa có kế hoạch cải tạo, khiến hàng loạt căn biệt thự này xuống cấp, không khai thác hết giá trị. Điển hình, căn biệt thự ở số 8 đường Bãi Sậy, quận 6 hơn 100 năm tuổi, rộng gần 1.000m2 mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.
Dân trong giới kiến trúc gọi nó là biệt thự Phương Nam Chợ Lớn. Để có thêm thu nhập, những người đang sinh sống trong biệt thự này cho thuê đất xây 2 kho hàng trước sân. Một kho hàng khác được dựng bằng tôn đã bắt đầu mục nát. Cửa ra vào, cửa thông gió và nhiều hạng mục khác hư hại, buộc chủ nhà phải gia cố tạm bợ để tránh mưa nắng. Tại quận 3, cụm biệt thự từ số 9 đến số 17 đường Ngô Thời Nhiệm từng là nơi tham quan của nhiều du khách, gần đây đã xuống cấp, mặt tiền được chia nhỏ để cho thuê buôn bán.
Đáng nói hơn, biệt thự cổ đang được quản lý một cách lỏng lẻo. Cụ thể, UBND quận 1 vừa có văn bản gửi Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về hiện trạng các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. Báo cáo của UBND quận 1 cho thấy có 230 căn biệt thự xây dựng từ trước năm 1975, có những căn hơn 100 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Tuy nhiên, qua rà soát có một số trường hợp không còn là biệt thự, một số công trình đã xây dựng thành công trình mới, một số đã tách chủ quyền. UBND quận 1 kết luận và thông báo trong thời gian tới sẽ loại 109 căn biệt thự, gồm 49 căn không phải là biệt thự, hoặc có nguồn gốc là nhà biệt thự nhưng nay không còn, 60 căn đã xây dựng công trình mới.
Thực tế, theo báo cáo của UBND quận 1, căn biệt thự tại số 25 Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Nghé) là khu đất trống. Trong khi hồ sơ quản lý nhà ở của Sở Xây dựng cho thấy đây là công trình kiến trúc vững chắc, mái ngói âm dương và xây dựng lâu đời. Còn căn biệt thự ở số 31 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé), dù hiện nay không có dấu hiệu xuống cấp nhưng UBND quận 1 kết luận bị chia cắt, nhiều mảnh tháo dỡ.
Tương tự, hồi tháng 10-2019, UBND quận 3 cũng có văn bản liệt kê các căn biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. Phần lớn các căn biệt thự được báo cáo không tồn tại địa chỉ hoặc không tồn tại, nhưng thực tế không đúng như vậy. Điển hình, căn biệt thự ở số 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị biến mất với lý do địa chỉ không tồn tại, nhưng mái nhà, khuôn viên và cả cửa ra vào còn nguyên vẹn nét cổ kính. Hiện nay, 3 căn biệt thự này là trụ sở của một công ty du lịch và một nhà hàng sang trọng.
Làm sao bảo tồn?
Làm sao bảo tồn?
Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc của Sở QH-KT, nguyên nhân khiến biệt thự cổ tại TPHCM chỉ được bảo tồn trên giấy do thủ tục duy tu, tôn tạo gặp nhiều khó khăn, nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu làm liều. Khi cơ quan chức năng phát hiện, nhiều kiến trúc cổ chỉ còn trên giấy, hoặc bị sửa chữa, chắp vá.
Cái khó nằm ở sự thiếu hợp tác của người dân có nhà thuộc dạng cổ, cũng như ở thủ tục giấy tờ. Một công trình biệt thự thuộc nhóm cần kinh phí bảo tồn, từ khi lập hồ sơ đến lúc thông qua, công trình từ hư hỏng ít đã rơi vào trạng thái hư hỏng nặng vì chờ đợi quá lâu.
Theo GS. Nguyễn Minh Hòa, việc xếp hạng, bảo tồn biệt thự cổ trong thời gian qua có phần hấp tấp, vội vàng. Những biệt thự cổ đa phần thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền muốn xếp hạng phải công bố, thỏa thuận hoặc chủ nhân làm đơn đề nghị công nhận di sản.
“Trong gần 1.300 căn biệt thự cổ có tuổi đời trên 100 năm, chủ nhân của căn nhà muốn đập bỏ để khai thác hiệu quả. Theo tôi, nên giữ lại những biệt thự có kiến trúc độc đáo, thuộc một trường phái kiến trúc tiêu biểu. Việc giữ lại biệt thự cổ phải có kế hoạch phát triển, tài trợ cho gia chủ cải tạo, kinh doanh như di sản sống” - GS. Hòa nói.
Theo đánh giá của HĐND TPHCM, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 chưa đồng bộ, còn chậm. Công tác phân loại biệt thự cũ của Hội đồng Phân loại biệt thự TP gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhiều biệt thự không có hồ sơ lưu trữ và khó nhận diện các biệt thự đã bị biến dạng.
Việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị có giá trị di sản của TP chủ yếu vẫn dựa vào khung pháp lý như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan. Song quá trình áp dụng thực tế còn nhiều bất cập và chậm trễ, dẫn đến sự biến mất của nhiều giá trị vốn có và làm thay đổi cảnh quan kiến trúc.
Các biệt thự cũ tập trung ở những quận trung tâm TP, nơi được xem là tấc đất tấc vàng, nếu lọt vào danh sách biệt thự phải bảo tồn, sẽ giảm giá trị rất nhiều. Vì vậy đang có tình trạng người dân “chạy” để những căn biệt thự này “biến mất” hoặc ra khỏi danh sách bảo tồn. Điển hình như căn biệt thự ở số 86 Sương Nguyệt Anh, khi vừa ra khỏi danh sách cần được bảo tồn, ngay lập tức chủ nhà đã đập bỏ và thay vào đó là tòa cao ốc hoành tráng. |