Mới đây, trên truyền hình, mạng xã hội rầm rộ đưa tin hàng trăm phụ huynh xếp hàng xuyên đêm, tranh giành nhau để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1 ở quận Hà Đông, Hà Nội trong thời tiết nóng bức.
Năm ngoái, một cảnh diễn ra tương tự khi hàng ngàn người tham gia bốc thăm cho con vào một trường mẫu giáo ở quận Hoàng Mai. Trước tình hình đó, ông Trần Thế Cương Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội phải giải trình, khẳng định trước HĐND là Hà Nội không thiếu trường.
Tại sao trường không thiếu mà năm nào cũng có chuyện phải bốc thăm, xếp hàng tranh giành nhau một chỗ trong trường A, B nào đó, thậm chí phải chạy cửa sau?”. Làm sao để chấm dứt tình trạng tiêu cực và phản cảm này đang là câu hỏi nhức nhối được đặt ra.
Trong cấu trúc đô thị, có phần không thể thiếu là hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Hệ thống này có 2 hợp phần là cơ sở hạ tầng kỹ thuật (phần cứng) gồm đường bộ, đường sắt, cầu, sân bay, bến cảng, nhà ga, cấp thoát nước, cung cấp năng lượng, thông tin liên lạc; cơ sở hạ tầng xã hội (phần mềm) gồm bệnh viện, trường học, chợ búa, công viên… Ở các TP lớn nước ta lâu nay diễn ra cảnh chạy trường lớp chủ yếu do thiếu trường, vì dân nhập cư quá đông, hoặc do phát triển các khu dân cư quá nóng, trong khi việc xây trường lại quá ít.
Thí dụ, TPHCM mỗi năm có 200.000-250.000 dân nhập cư. Theo thống kê, giai đoạn 2003-2020, bình quân mỗi năm số học sinh ở TP tăng khoảng 50.000. Trong gần 20 năm qua, TP xây mới 1.047 trường học với hàng chục ngàn phòng học, tính trung bình 1 năm xây mới 53 trường. Dự báo từ nay đến năm 2030, tổng số học sinh ở TP tăng thêm gần 400.000, nên cần xây thêm gần 1.000 trường học mới với hơn 21.000 phòng học.
Còn Hà Nội phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới quá nhanh, dân bị nén vào khu vực nhỏ hẹp nhưng không có đất cho trường học. Điển hình là trục đường Lê Văn Lương chỉ 1km có hơn 40 tòa nhà cao tầng, trong đó đa phần là chung cư cao vài ba chục tầng, mật độ dân số đông nhưng thiếu trường học, bệnh viện.
Bên cạnh đó, các trường học phân bố không đều, chẳng hạn khu vực các quận trung tâm TPHCM như quận 1, 3, 4, 10 có đến 2.800 trường THCS, trong khi ở các khu vực quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Phú Nhuận có dân số cao hơn nhưng chỉ có 1.600 trường THCS. Lý do nữa không kém phần quan trọng là sự chênh lệch chất lượng giữa các trường quá xa.
Quay trở lại trường hợp Hà Nội, như ông Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định không thiếu trường sao năm nào cũng có chuyện chạy trường khổ sở. Nguyên nhân chính là các trường chênh lệch nhau về chất lượng. Chất lượng ở đây không phải là cơ sở vật chất của trường, mà là đội ngũ thầy cô giáo và trình độ cán bộ quản lý.
Thực tế cho thấy, những trường quy tụ được các thầy cô giáo giỏi, nhiệt tình, có tâm, sáng tạo và các thầy cô quản lý trường lớp bài bản, dù cho có lớp đông hơn quy chuẩn phụ huynh vẫn mong muốn cho con vào học. Quận Hà Đông, Hà Nội có 24 trường tiểu học, nhưng số trường phụ huynh chen nhau vào như Trường tiểu học Vạn Bảo (nơi diễn ra sự kiện xếp hàng xuyên đêm) lại không có nhiều.
Ở đây đặt ra vấn đề, là để có được thầy giáo giỏi (cũng như thầy thuốc giỏi), đâu phải ngày một ngày hai mà phải mất hàng chục năm hình thành. Rõ ràng chúng ta không có được chiến lược đào tạo và chuẩn bị hình thành đội ngũ các thầy, cô giỏi đáp ứng được quy mô và tốc độ phát triển của kinh tế-xã hội.
Quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hay vào học sư phạm vì có học bổng, đã khiến chúng ta không có nhiều thầy cô giáo giỏi ở tất cả cấp học từ mẫu giáo đến đại học.
Rất nhiều người có trách nhiệm cho rằng, cứ có trường là có giáo viên đến xin việc. Cho nên họ chú trọng phát triển nhà chung cư trước để bán, rồi túc tắc xây trường học sau khi có lợi nhuận. Họ xây các khu đô thị hoành tráng xong rồi tìm đất còn sót lại xây trường học. Hậu quả, trường xây mới nhưng ít người theo học, có trường rất khang trang có cả hồ bơi, phòng máy tính, nhưng số đăng ký đầu vào ít hơn nhiều lần chỉ tiêu được tuyển.
Chính vì chất lượng khác nhau quá xa nên mới có tình trạng người dân nội thành ra các quận đô thị mới, các huyện ngoại thành mua đất xây nhà, làm biệt thự, nhưng hàng ngày vẫn đưa con vào học các trường ở trung tâm TP và chiều đón về. Điều này tạo nên hiện tượng “dao động con lắc” ngày càng dày đặc, cung đường di chuyển cứ dãn dài ra, rồi cuối cùng là kẹt xe.
Hệ quả này do xuất hiện hàng chục khu đô thị ma, hoành tráng không có người ở. Các chuyên gia giao thông đã tính ra có hơn 60% cặp gia đình trẻ mua nhà, căn hộ chung cư ở các quận thuộc Hà Nội mở rộng mua xe hơi chạy vào trung tâm làm việc và đưa đón con hàng ngày.
Tình trạng này cũng diễn ra trong y tế. Hà Nội và TPHCM đã xây dựng một số bệnh viện ở các huyện ngoại thành, nhằm kéo bệnh nhân từ nội thành ra và đón bệnh nhân từ các tỉnh khác tới. Nhưng rồi bệnh nhân vẫn kéo vào các bệnh viện trong nội thành, các bà bầu vẫn đến Từ Dũ, Hùng Vương. Lý do chính là bệnh viện mới có thể rất hoàng tráng nhưng lại không có bác sĩ chuyên khoa giỏi.
Hà Nội, TPHCM đều có chung chiến lược là phát triển các TP vệ tinh, khu dân cư mới bên ngoài Vành đai 3, 4 nhằm tái cấu trúc dân cư, đưa các cơ quan công quyền, trường đại học ra khỏi trung tâm, nhằm kéo dãn dân ra bên ngoài, giảm áp lực khu trung tâm.
Thế nhưng chiến lược này không đạt được kết quả, bởi Hà Nội và TPHCM lâu nay chỉ tập trung vào phần cứng là đường sá, nhà ở, mà không biết được muốn dãn dân phải phát triển thật tốt phần mềm là hạ tầng xã hội, nhất là y tế, giáo dục và vui chơi giải trí, trong đó con người là nhân tố quan trọng nhất.
TP Seoul của Hàn Quốc thành công mạng lưới 18 TP vệ tinh, chính là nhờ sự phát triển đồng bộ cả 2 lĩnh vực của hạ tầng đô thị, đặc biệt là phần mềm hạ tầng xã hội. Đây có thể là kinh nghiệm thực tế để Hà Nội và TPHCM tham khảo, học hỏi.