Quý III ảm đạm
Làn sóng dịch lần thứ 4 đã khiến quý III-2021 trở thành giai đoạn kinh hoàng với nhiều DN, nhất là DN tại TPHCM nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt dịch này. Trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng, bán lẻ và dịch vụ chịu tác động rất mạnh, khi hàng loạt cửa hàng, chợ truyền thống phải đóng cửa để đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên cho những nhóm ngành thiết yếu.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2021 giảm 8,3% so với tháng trước và 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bước qua tháng 8 con số này lần lượt giảm tiếp 10,5% và giảm 33,7%. Tính cả quý III-2021, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 28,3% so với cùng 2020.
Nhiều khảo sát trong quý III-2021 cũng cho thấy, các DN bán lẻ bị tác động nghiêm trọng bởi dịch.
Cụ thể, theo khảo sát của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), nhiều DN bán lẻ hàng lâu bền (điện lạnh, trang sức…) nhận định doanh số bán hàng trong đợt Covid-19 lần thứ 4 chỉ bằng 20-40% so với trước đó. Có 71,43% DN nhóm hàng lâu bền đánh giá chịu tác động nghiêm trọng, 28,57% DN chịu tác động nghiêm trọng vừa phải.
Một số DN bán lẻ như Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong quý cao nhất lịch sử. Theo đó, trong quý III-2021 DN này lỗ ròng gần 160 tỷ đồng do phải đóng cửa hơn 80% cửa hàng. Tương tự, chuỗi bán lẻ điện tử tiêu dùng Thế giới di động và Điện máy Xanh, cũng giảm doanh thu 24% trong quý III-2021 do 60-70% cửa hàng tạm đóng cửa…
Tác động mạnh của đợt dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều DN ngành bán buôn, bán lẻ phải chia tay thị trường, ngay cả khi các hoạt động dần trở lại bình thường vào tháng 10-2021. Tính hết tháng 11-2021 đã có 33.309 DN thuộc lĩnh vực bán buôn - bán lẻ - sửa chữa rút lui, chiếm tỷ lệ 31,3% tổng số DN chia tay thị trường, trở thành nhóm ngành có số lượng DN rời bỏ thị trường lớn nhất, lập kỷ lục chưa từng có với ngành bán lẻ.
Những khó khăn của quý III đã khiến không ít người nghi ngờ về khả năng tăng trưởng của ngành bán lẻ trong năm 2021. Thế nhưng trái với nghi ngờ ấy, ngành bán lẻ vẫn cán mốc doanh số kỷ lục hơn 173 tỷ USD, trở thành điểm sáng trong bão dịch.
Động lực tăng doanh số từ đâu?
Động lực tăng doanh số từ đâu?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV-2021 đạt hơn 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 28,1% so với quý trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,79 triệu tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm đến 6,2%.
Tuy nhiên, nếu tính riêng mảng bán lẻ hàng hóa, năm 2021 đạt gần 3,95 triệu tỷ đồng (tương đương 173,28 tỷ USD), tăng 0,2% so với kết quả bán lẻ hàng hóa của năm 2020. Như vậy, thị trường bán lẻ năm 2021 tiếp tục ghi kỷ lục mới về doanh số khi tăng 1,2 tỷ USD so với năm 2020.
Chia sẻ với ĐTTC về việc trong khó khăn bủa vây thị trường bán lẻ Việt vẫn ghi dấu ấn mới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững (SDLT), cho rằng bán lẻ hàng hóa vốn dĩ rất nhiều mảng, ngay trong bối cảnh dịch vẫn có những ngành có mức tăng trưởng tốt như lương thực thực phẩm, bán lẻ dược phẩm hay nhóm sản phẩm điện thoại, laptop, máy tính bảng để phục vụ nhu cầu làm việc, học tập tại nhà.
Cũng theo ông Dũng thị trường bán lẻ 2021 chỉ có quý III sụt giảm mạnh, còn quý I và II vẫn giữ đà tăng trưởng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2,46 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng 2021 đạt 1,98 triệu tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ 2020.
Bước qua quý IV-2021, sức mua đã dần hồi phục, là lý do thị trường bán lẻ ghi nhận mức doanh số kỷ lục. Trước câu hỏi nhiều DN đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn sau đợt dịch, vì sao sức mua quý IV-2021 vẫn hồi phục, chia sẻ góc nhìn của mình, ông Dũng cho rằng số lượng người lao động mất việc tăng nhưng chi tiêu của nhóm người này không quá lớn.
Ngược lại, ngay trong dịch vẫn còn rất nhiều người gia tăng thu nhập, nhóm người trung lưu của Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn và nhóm đối tượng này có mức chi dùng lớn. Đây cũng là nhóm các nhà bán lẻ đang nhắm đến nhiều.
Đồng tình với những nhận định của ông Dũng, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng nếu không có điểm gút ở quý III-2021, thị trường bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Bán lẻ là một trong những ngành được tạo điều kiện để hoạt động ngay trong giai đoạn cao điểm dịch.
Bước vào quý IV-2021, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước bình thường trở lại, sức mua người tiêu dùng cũng tăng lên, nhất là tại TPHCM.
Về việc năm 2021 ghi nhận con số kỷ lục DN bán lẻ chia tay thị trường, một số phân tích cho thấy đa số DN có quy mô nhỏ. Cuộc sàng lọc bởi dịch nhìn ở mặt tích cực có thể tạo cơ hội phát triển cho các DN lớn, tiềm lực mạnh và như vậy thị trường sẽ không có nhiều biến động.
Dự báo trong năm 2022 ngành bán lẻ tiếp tục ghi nhận những điểm sáng tích cực. Theo khảo sát mới nhất của Công ty Công nghệ Sapo với 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của DN này, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Chỉ có 9,4% nhà bán hàng bi quan về tình hình kinh doanh 2022.
Bên cạnh những người thắt chặt chi tiêu do dịch bệnh, vẫn có lượng không nhỏ người tiêu dùng gia tăng thu nhập và chi tiêu mạnh tay, trở thành đòn bẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ năm 2021. |