Hai mặt của phân quyền cho bên dưới
Từ sau 1975 đến nay, về cơ bản bộ máy quản lý đô thị nước ta thực chất được cải biến từ mô hình quản lý theo hình thái xã hội chủ nghĩa (XHCN) kiểu cũ. Tức vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi kiểu tập trung hóa chính trị cao theo mô hình kim tự tháp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp và không có sự khác biệt rõ ràng giữa quản lý đô thị và nông thôn.
Vì vậy, đề án xây dựng CQĐT ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và sau này sẽ thực hiện trên toàn bộ hệ thống đô thị Việt Nam, cho thấy bộ máy quản lý đô thị nước ta tiệm cận với mô hình quản lý đô thị các nước tiên tiến.
Và mô hình CQĐT TPHCM hướng tới là tinh gọn bộ máy, tiến hành phân quyền sâu rộng xuống tới chính quyền cơ sở, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh chính phủ điện tử.
Trong đó, phân quyền cho bên dưới là điều cực kỳ hệ trọng, tức các cán bộ cấp phường, quận, TP trực thuộc (TP Thủ Đức chẳng hạn) được trao nhiều quyền hơn, thay vì cái gì cán bộ cấp dưới cũng phải xin chỉ đạo, đợi có văn bản hướng dẫn, nay được vận hành theo chế độ “một thủ trưởng”.
Điều này làm cấp dưới được quyền chủ động, sáng tạo trong công việc, giải quyết mọi việc, hiệu quả, khắc phục hiện tượng cấp dưới chờ kế hoạch năm và lịch làm việc tuần từ cấp trên, theo tinh thần “cầm tay, chỉ việc”, “cấp trên chỉ đạo, cấp dưới thừa hành”, “không phân quyền mà phân công đầu việc”.
Thực tế trong những năm gần đây, TPHCM đã bắt đầu tiến hành phân quyền cho quận, huyện khá nhiều trong lĩnh vực như nhà đất, các loại lệ phí, các giấy tờ hành chính, cấp giấy phép mở các loại dịch vụ không thuộc nhóm nhạy cảm, kể cả việc huy động tài chính trong dân phục vụ cho công ích địa phương… Việc phân quyền này đúng và bước đầu đã mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người dân.
Tuy nhiên mặt trái của phân quyền sâu rộng rất dễ tạo điều kiện cho một số quan chức địa phương quan liêu, lạm quyền, nhũng nhiễu. Khi có quyền trong tay họ có thể tự “đưa ra luật lệ riêng”, nhất là các loại phí như phí chợ, phí vỉa hè, phí đo đạc kẻ vẽ nhà đất, phí trẻ con học trái tuyến, lạm thu các loại phí công ích không có biên nhận theo quy định của Bộ Tài chính.
Đặc biệt, nhiều nơi hành người dân khổ sở và vô lý khi làm giấy khai sinh, khai tử, nhất là giấy phép cải tạo xây dựng nhà. Chưa kể UBND cấp phường và quận, huyện có quyền quyết định rất lớn đối với các dự án đầu tư công thuộc nhóm B và C, cũng như sử dụng ngân sách “tự có” của địa phương.
Vậy làm thế nào để không xảy ra tiêu cực? Trong khi để bộ máy công quyền gọn nhẹ, chỉ còn 2 cấp và tập trung quyền lực vào một mối. Bản đề án đã đề nghị xóa bỏ HĐND cấp quận, phường vì lý do các hội đồng này hoạt động không hiệu quả.
Khu Đông TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG.
Những khoảng trống cần lưu tâm
Ở các nước phát triển, đặc biệt là ở hầu hết các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore… các tổ chức phi chính phủ (NGO) có quyền thay mặt nhân dân để giám sát các cơ quan quyền lực.
Ở Việt Nam không có loại hình NGO địa phương. Sau khi bãi bỏ HĐND, Nhà nước giao công tác này cho Mặt trận Tổ quốc, nhưng thực tế cho thấy hiệu quả của hoạt động này rất mờ nhạt và cách đánh giá, phản biện cũng rất “mặt trận”. Đây là khoảng trống quyền lực đặt ra cho Nhà nước và Quốc hội cần lưu tâm.
Tiếp theo, trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có nhiều điều chưa ổn. So với những năm trước đây có tiến bộ hơn, người có trình độ học vấn cao đẳng, đại học nhiều hơn, nhưng tính chuyên nghiệp khá thấp.
Trong nhiều trường hợp, cán bộ vướng vào sai lầm không phải do đạo đức mà do trình độ yếu kém, nhận thức chưa tới. Ở các nước phát triển, đội ngũ làm công chức nhà nước làm việc trong hệ thống quản lý đô thị bắt buộc phải qua các trường đào tạo bài bản, chẳng hạn như Trường Hành chính công Lý Quang Diệu, Trường Hành chính quốc gia Pháp, Trường Hành chính công Malaysia…
Một trong những nguyên nhân là người được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo và các cơ quan chức năng quan trọng nhất là phải có bằng chính trị. Do vậy có tình trạng đội ngũ cán bộ quản lý địa chính của phường, cán bộ quản lý đô thị của quận do luân chuyển từ hội phụ nữ, mặt trận, phường đội qua không phải hiếm.
Thậm chí ở cấp cao hơn cũng có trình trạng như vậy, giám đốc sở xây dựng là cử nhân luật, là cán bộ thú y; chủ tịch quận là cán bộ đoàn hội, công đoàn chuyển qua. Việc cán bộ địa phương được đào tạo bài bản, làm việc chuyên nghiệp sẽ giảm bớt sai sót, đặc biệt hiểu được đạo đức công vụ.
Lịch sử suốt mấy chục năm hoạt động của Trường Hành chính công Lý Quang Diệu, ghi nhận số sinh viên tốt nghiệp từ trường này, sau đó làm việc trong bộ máy công quyền bị kỷ luật rất ít. Điều đó cho thấy những người được học hành bài bản sẽ biết cách làm đúng và giảm bớt sai lầm trong quá trình tác nghiệp.
Khi bàn đến mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) hiện đại, có 2 quan điểm rất khác nhau cùng tồn tại và cùng có hạt nhân hợp lý. Quan điểm thứ nhất giữa các nước CNXH như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba và các nước như Mỹ, Canada (Bắc Mỹ), Đức, Pháp, Italia… (châu Âu), là 2 hệ thống chính trị khác biệt nhau, do vậy mô hình quản lý đô thị khác nhau, nên không dung hòa được.
Quan điểm thứ 2 cho rằng, thể chế chính trị khác nhau nhưng mục đích dân sinh giống nhau, như đều hướng tới chất lượng sống tốt, năng suất lao động cao, môi trường an sinh tốt, hàng hóa dồi dào, và cùng hướng đến thị trường toàn cầu. Vì thế có thể học hỏi nhau và tiếp nhận từng phần, nhất là những phần về công nghệ, kỹ thuật, quy trình, công cụ, kể cả các khuôn mẫu quản trị.
Thực tế so sánh từ Trung Quốc, Việt Nam với các nước châu Âu, Bắc Mỹ, cho thấy hơn 20 năm qua các nước CNXH đã thay đổi để cho hệ thống hải quan, xuất nhập khẩu, ngân hàng, khách sạn, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, quy trình sản xuất tương thích với thế giới. Chính nhờ sự thay đổi này, nhà đầu tư, khách du lịch đến với Việt Nam ngày càng tăng; đồng thời Việt Nam mới tham gia được các hiệp định và tổ chức quốc tế như ASEAN, WTO, FTA, EVFTA, CPTPP. Như vậy có thể hiểu phần chính trị “nước sông không phạm nước giếng”, còn kỹ thuật quản lý đô thị tiếp cận và xâm nhập vào nhau từng phần.