(ĐTTCO) - Chính quyền các cấp ở TPHCM và ban giám đốc các bệnh viện đã quan tâm phối hợp ngăn chặn tình trạng “cò” chèo kéo bệnh nhân trước các bệnh viện, môi giới khám bệnh... Nhìn trực quan, tình trạng “cò” bệnh viện tưởng có giảm, nhưng thực chất họ hoạt động ngày càng tinh vi hơn.
Tiếp thị qua điện thoại
Bệnh viện ĐH Y Dược thường có rất đông người đến khám, chữa bệnh. Tại khu vực đăng ký khám bệnh, mỗi sáng luôn có cả trăm người xếp thành các hàng dài; riêng khâu đăng ký cũng mất cả giờ nên không ít người buộc phải thông qua “cò”. Chị Phạm Bích Ngào (ngụ huyện Củ Chi) cho hay: “Mới đây, tôi liên tục nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: “Khám bệnh không phải chờ, lấy số giùm với giá rẻ. Hãy liên hệ với chúng tôi”. Tôi nhớ cách đây 2 tháng có đến khám bệnh tại Bệnh viện ĐH Y Dược, nhưng không hiểu sao nay cò lại biết số điện thoại mà nhắn cho tôi”.
Chúng tôi gọi vào số điện thoại chị Ngào cung cấp, thì được một phụ nữ tên Minh tiếp chuyện. Minh cho biết chỉ cần báo họ tên, tuổi, địa chỉ vào tối hôm trước, thì sáng hôm sau sẽ có số để khám bệnh. Minh bảo có thể lo được 10 - 30 suất khám liền nhau, bất kể giờ nào cũng được. Theo giá Minh đưa ra, nếu chỉ bắt số thì 100.000 đồng/người; còn nếu cần người dẫn đến từng phòng và được hướng dẫn tận tình thì phải trả 150.000 đồng/người.
Ngày 30-6, chúng tôi hẹn Minh bắt số để khám tại Bệnh viện ĐH Y Dược vào lúc 7 giờ 30 sáng. Nơi gặp là phía ngoài cổng bệnh viện, trước tòa nhà Khu A. Vừa nhận số thứ tự, Minh đã giục chúng tôi nhanh chân vào đóng tiền rồi lên lầu 1 khu A lấy máu xét nghiệm mà không phải đứng xếp hàng dài như những người đến khám bình thường. Tương tự, tại các phòng khác, theo chỉ dẫn của Minh, chỉ cần chờ vài người là chúng tôi được khám liền. Tại cổng Bệnh viện ĐH Y Dược không chỉ có Minh mà có hàng chục “cò” đang hoạt động. Mỗi “cò” hướng dẫn cả chục người vào khám bệnh. Qua hỏi thăm các bệnh nhân, hầu hết đều cho biết họ hoặc người thân nhận được tin nhắn quảng cáo dịch vụ này qua điện thoại, nên lưu lại để khi cần thì sử dụng.
Qua số điện thoại của một bạn đọc cung cấp, chúng tôi gọi vào số của một “cò” ở bệnh viện khác. Người này xưng là nhân viên của Bệnh viện Hòa Hảo, sẵn sàng “giúp” bắt số nếu có người nhờ. Khi chúng tôi hỏi giá thì được cho biết: “Đây không phải dịch vụ, mà quen biết nên giúp đỡ nhau, cũng không có giá cụ thể, tùy tâm người bệnh, đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi nhưng đưa sao coi cho được chứ đừng ít quá! Phải tới đúng giờ sẽ được khám liền, trễ hơn phải chờ chút xíu. Trong khi chờ phải tỏ ra bình thường, không nói chuyện ồn ào, không hối giục, bởi như vậy sẽ gây chú ý. Nếu chen vào 1 - 2 người thì dễ rồi, nhưng chen vào 5 - 6 người thì phải khéo léo, chứ không người khác nói”.
Bạn đọc cũng cung cấp số điện thoại của một người đàn ông tên Thu là “cò” ở Bệnh viện Ung bướu. Khi vừa gặp tại cổng bệnh viện, Thu chỉ tay về phía đội trật tự đô thị và bảo vệ dân phố của phường, kể: “Mấy bữa nay họ dẹp dữ quá nên tôi tiếp thị qua tin nhắn. Tiếp thị kiểu này, khi đưa số thứ tự và dẫn bệnh nhân đi khám giống như người nhà, nên mấy người đó không làm gì mình được”.
![]() |
“Cò” giao số phiếu và hướng dẫn cho bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM. |
Móc nối với xe dịch vụ
Mấy năm nay, ở một số tỉnh xuất hiện dịch vụ đưa người đi TPHCM khám bệnh. Một nhóm vài người cùng nhau rao dịch vụ, khi tập hợp được nhiều khách hàng thì thuê một chuyến xe chở lên TPHCM khám bệnh, tài xế thường là người rành dịch vụ khám bệnh tại các bệnh viện. Từ đó mới có chuyện nhà xe kết hợp với cò bắt số để lấy tiền dịch vụ của người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Dung (ngụ tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết: “Tôi cùng vài người trong xóm thuê xe của một người chuyên chở khách đi khám bệnh tại Bệnh viện Hòa Hảo (TPHCM). Ngoài thỏa thuận tiền xe, người này còn gợi ý việc khám nhanh với giá phải trả thêm 160.000 đồng/người. Thắc mắc tiền công cao quá thì tài xế bảo riêng tiền bắt số “cò” đã lấy 100.000 đồng/người, còn 60.000 đồng là công chú ấy dắt đi từng phòng để khám”. Bạn đọc Trần Huy Tùng (ngụ tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cung cấp số điện thoại của một “cò” nhắn cho anh với nội dung: “Chuyên bắt số cho người khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Có hoa hồng cho người dẫn mối”.
Anh Tùng cho biết: “Mấy tháng nay tôi làm dịch vụ chở khách đi khám bệnh, thường cả xóm mấy người cùng nhau hùn tiền thuê xe đi cho tiện. Nhờ lấy giá hữu nghị nên tuần nào cũng có khách thuê chở lên các bệnh viện lớn tại TPHCM, cũng từ đây có nhiều số điện thoại nhắn tin mời chào tôi cùng tham gia làm “cò” bắt số khám bệnh để hưởng hoa hồng”. Chúng tôi gọi vào số điện thoại do anh Tùng cung cấp, người đàn ông tên Phúc bắt máy, giới thiệu nhà ở đối diện cổng Bệnh viện Ung bướu nên đảm bảo giờ khám sớm nhất. Phúc nói: “Bệnh viện mở cửa lúc 2 giờ 30 sáng thì 3 giờ tới là nhận được số vào khám liền. Trước khi lên nhớ nhắn cho tôi họ tên, địa chỉ để làm sổ. Nếu chỉ lấy số giá 100.000 đồng/người, nếu bao sổ và đưa đi tận phòng khám thì 300.000 đồng/người”.
Anh Tùng cho biết, ngoài “cò” Phúc tại Bệnh viện Ung bướu, các “cò” ở Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, Bệnh viện Bình dân 115 cũng nhắn tin đề nghị anh hợp tác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm “cò” thường lân la bắt chuyện với các tài xế chở đoàn khách từ tỉnh lên khám bệnh rồi mời móc nối để thuyết phục khách sử dụng dịch vụ bắt số. Với mỗi người bệnh sử dụng dịch vụ này, “cò” sẽ chia cho tài xế 30% hoa hồng.