Việc linh hoạt kênh xuất khẩu đã và đang giúp doanh nghiệp nắm giữ thị phần ổn định hơn, giảm nguy cơ tồn đọng hàng hóa sản xuất.
Đưa hàng Việt xuất ngoại theo chuỗi
Từ năm 2017, Bộ Công thương đã triển khai chương trình xuất khẩu tại chỗ thông qua phương thức hợp tác với các hệ thống phân phối nước ngoài. Những đơn vị đã tham gia tích cực vào chương trình này phải kể đến như Aeon mall, Lotte…
Với mạng lưới siêu thị rộng khắp ở Nhật, Hàn Quốc, những hệ thống này đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác và làm cầu nối xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống Lotte, Aeon mall trên toàn cầu.
Lotte đã làm cầu nối xuất khẩu hàng Việt từ hệ thống của mình. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, Saigon Co.op phối hợp với hệ thống NTUC FairPrice để đưa hàng Việt vào thị trường Singapore. Trung bình mỗi năm, Saigon Co.op xuất khẩu hơn 200 container hàng hóa với nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 6 triệu USD và tăng trung bình 20%/năm. Đây được xác định là thị trường khó tính đòi hỏi DN phải đáp ứng rất nhiều rào cản kỹ thuật về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Thế nhưng, việc tham gia sâu và bền vững vào thị trường này sẽ giúp DN trong nước vươn xa hơn ở những thị trường khó tính khác.
Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết thêm, năm 2018, sản phẩm sữa organic của Vinamilk đã bán rất thành công tại Singapore. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn để DN tiếp tục đưa sữa và sản phẩm từ sữa tham gia mạnh hơn ở những thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Trên thực tế, những DN có quy mô sản xuất lớn, có kinh nghiệm xuất khẩu trực tiếp thường không gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường xuất khẩu. Thậm chí, họ được đánh giá là sẽ có nhiều lợi thế khi các hiệp định thương mại có hiệu lực và phát huy hiệu quả của nó.
Ngược lại với những DN vừa và nhỏ, chưa từng tham gia xuất khẩu trước đó, sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa nắm bắt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa. Vì thế, việc xuất khẩu gián tiếp sản phẩm Việt thông qua hệ thống phân phối có thể giúp DN giảm thiểu tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh, ngăn chặn nguy cơ bị trả hàng hoặc bị dừng xuất khẩu.
Hơn nữa, DN thông qua hệ thống phân phối cũng sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh chất lượng, hình thức bao bì, nhãn mác sản phẩm… trong trường hợp thị trường nhập khẩu có điều chỉnh.
Cần chính sách thu hút đầu tư có lợi cho nông nghiệp
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết, năm 2020, diễn biến kinh tế phức tạp gây khó khăn cho kinh tế trong nước. Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng ngược lại, độ mở thị trường trong nước cũng rất lớn, ở mức 200%.
Do vậy, linh hoạt trong giải pháp xuất khẩu hàng hóa bằng cách xuất khẩu gián tiếp hoặc trực tiếp sẽ giúp DN trong nước giảm rủi ro trong kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Công thương đã làm việc với các hệ thống thương mại điện tử lớn nhằm đa dạng hơn nữa các kênh xuất khẩu cho hàng Việt.
Cũng theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, dự báo sự trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh kinh tế trong nước. Hiện chính sách chung của Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh nhằm thích ứng với những diễn biến này và đang có những hiệu quả đáng kể.
Đơn cử, thu hút đầu tư cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Các cơ quan chức năng, tham tán thương mại ở các thị trường xuất khẩu đã được chỉ đạo phải chủ động kết nối chặt với DN trong việc cung ứng thông tin nhu cầu thị trường ngành hàng mà DN có điều kiện phát triển.
Song song đó, giải pháp truy xuất nguồn gốc gắn với cấp phép cho hàng hóa xuất khẩu cũng đang được thắt chặt để tránh tình trạng gian lận xuất xứ, gây hại cho hoạt động sản xuất của DN trong nước.
Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế phân tích, để giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu nói chung, cũng như tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng hệ thống phân phối toàn cầu, ngoài việc DN cần chủ động đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài và chuỗi thương hiệu, bộ và địa phương phải tập trung lựa chọn và hỗ trợ sản phẩm nào để đưa vào chuỗi thương hiệu.
Đặc biệt phải có thông tin dự báo thị trường chính xác để DN chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Cần thiết phải cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường; thực hiện hiệu quả hơn chính sách tích điền.
Chính sách bảo vệ tài sản cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phải được tính đến do mức độ rủi ro cho đầu tư khá cao. Ngoài ra, sự liên kết giữa DN và hộ nông dân cần được cải thiện theo hướng có quy định chế tài chặt chẽ hơn.
Việt Nam đứng vị trí 27 nước trên thế giới có quy mô kim ngạch xuất khẩu lớn. Thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đã phủ khắp 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đứng thứ 15 quy mô sản phẩm nông sản thực phẩm xuất khẩu. Số DN tư nhân trong nước đầu tư vào lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, nông thủy hải sản cũng liên tục tăng cao, ước khoảng hơn 2.200 DN/năm. |