Bệnh lý và hệ lụy nghiện mạng xã hội

(ĐTTCO) - Nghiện MXH là hiện tượng có thật trong giới trẻ, đã được báo động nhiều năm nay. Hệ lụy có thật trong đời sống, và đã có nhiều ý kiến lo ngại, bởi đâu chỉ giới trẻ mà giới tu hành cũng nghiện MXH. 

Bệnh lý và hệ lụy nghiện mạng xã hội

Câu chuyện thời sự nóng bỏng nhất là Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, vì tổ chức quảng bá và trưng bày một hiện vật gọi là “xá lợi tóc Đức Phật”. Các hoạt động của chùa Ba Vàng và sư Thích Trúc Thái Minh sở dĩ cuốn hút được bá tánh khắp nơi, vì đã biết cách tận dụng MXH.

Các kênh Youtube, Facebook, Tik Tok của chùa Ba Vàng liên tục mở rộng biên độ lôi kéo giới Phật tử, tô vẽ nhiều điều lâm ly xung quanh những bài giảng của sư Thích Trúc Thái Minh, để cạnh tranh trên MXH với nhiều nhà sư khác.

Sau trường hợp nhiều “ngôi sao” ca nhạc, sân khấu bước ra đám đông nhờ sức lan tỏa của MXH, đến lượt các nhà sư “đăng đàn diễn thuyết”. Dù không “lừng lẫy” như sư Thích Trúc Thái Minh, nhưng nhiều nhà sư cũng có cách chơi MXH rất “bá đạo”. Thậm chí, trước áp lực tăng trưởng người theo dõi, khi bị “bí” đề tài, nhiều nhà sư cũng không ngần ngại đưa ra những thông tin nhảm nhí, sặc mùi mê tín dị đoan.

Chưa thể thống kê đầy đủ bao nhiêu nhà sư có kênh riêng trên MXH, nhưng những người ủng hộ và những người chê trách chia phe cãi vã náo nhiệt. Chính một nhà sư đã bày tỏ trên kênh cá nhân: “Trên Facebook có quá nhiều “nhóm, hội” để người ta tham gia. Bởi vậy người ta mới nói rằng: "Lên non mới biết non cao. Lên face mới biết face bao não phiền".

Facebook là công cụ tuyệt vời, không thể phủ nhận những giá trị mà nó mang lại, đặc biệt là việc kết nối trong xã hội. Tuy nhiên, không thể quên đi những mặt trái mà Facebook mang lại. Nếu chúng ta không tỉnh táo sẽ mang lại những hệ quả tiêu cực.

Một sư thầy lấy thí dụ rằng, có những người cho biết đi ngủ sớm, tắt đèn, đóng cửa, đắp chăn nhưng mở… Facebook và trở thành những con “cú đêm”, tiêu hao sức khỏe, cuộc đời một cách vô bổ. Vậy thì, nghiện MXH đã không còn là chuyện nhỏ. Và các nhà hoạt động xã hội đã không giấu giếm sự lo lắng về hệ lụy MXH với giới trẻ.

Hiện nay, thanh thiếu niên thường nói chuyện trực tuyến với những người các em quen biết ngoài đời thực. Nhưng nếu ở mức độ vừa phải, việc sử dụng MXH theo cách này cho phép thanh thiếu niên giữ liên lạc với bạn bè, bạn học hay người thân, và có khả năng cải thiện các mối quan hệ thực của mình.

Nhưng điều này có thể trở thành vấn đề, nếu việc nói chuyện trực tuyến chiếm hết mọi tương tác xã hội; hoặc trong trường hợp lướt mạng thụ động quá mức, thanh thiếu niên đang hấp thụ nhiều thông tin hơn là tương tác với thông tin.

Thay vì thúc đẩy những cuộc trò chuyện có ý nghĩa, tính năng “like” có thể thay thế cho việc trao đổi bình luận. Bởi tính năng này cũng giống như một hệ thống xếp hạng công khai, khiến một bộ phận thanh thiếu niên cảm thấy bị đánh giá và loại trừ, điều vốn đã rất nhạy cảm đối với các em.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là các công ty và nhà thiết kế công nghệ nên cung cấp nhiều công cụ thân thiện với người dùng, cũng nhằm để giúp cha mẹ tạo ra môi trường phù hợp với lứa tuổi.

Họ cũng có thể thay đổi thiết kế để tạo ra một môi trường hướng đến các cuộc trò chuyện có ý nghĩa hơn, và hạn chế tình trạng lướt mạng hay bấm like. Mặc dù điều này có thể mâu thuẫn với động lực tài chính của họ, nhưng một thiết kế có nhân văn hơn sẽ có ý nghĩa lớn trong việc giúp thanh thiếu niên xây dựng thói quen sử dụng MXH lành mạnh hơn.

PGS.TS Phạm Mai Hương, Viện Tâm lý học, phân tích: Bản chất mạng là ảo, nên rất thiếu những chia sẻ mang tính gắn kết và ý nghĩa lâu dài, sâu sắc, không cần sự thấu hiểu, cảm thông với những biểu cảm thực tế; mọi thứ thường nhanh chóng và dễ dàng trôi qua.

Cơ bản là người dùng chấp nhận các mối quan hệ mà không cần hiểu biết lẫn nhau, không cần thể hiện sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ tình cảm, giúp đỡ, nâng niu về tinh thần. Đây là những điều làm nên mối quan hệ vốn phải được xây dựng trên cơ sở các trải nghiệm thực tế, tương tác trực tiếp với nhau.

Nhưng ở góc độ bệnh lý học, nhiều người trẻ nghiện MXH, có nhiều trạng thái tiêu cực, phán xét người khác. Nghiện MXH là một loại bệnh lý, sử dụng quá nhiều gây ra bệnh hoang tưởng.

Khi sử dụng MXH không có chọn lọc, đề kháng, người sử dụng sẽ bị cuốn vào thể hiện cái tôi muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. Đó là bệnh về cảm xúc, suy nghĩ, tạo ra sự hoang tưởng, nhận định không rõ ràng.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm phương pháp hiệu quả nhất để điều trị chứng nghiện MXH. Một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến là can thiệp tâm lý theo hướng nhận thức hành vi, can thiệp tâm lý gia đình đặc biệt hiệu quả khi người nghiện có vấn đề lo âu, trầm cảm kèm theo. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ cho điều trị hóa dược với những đối tượng được chẩn đoán bệnh lý lo âu, trầm cảm.

Mục tiêu của việc điều trị không phải là kiêng hoàn toàn việc sử dụng internet, MXH vì sử dụng mạng là yếu tố không thể thiếu trong đời sống cá nhân ngày nay. Thay vào đó, việc trị liệu giúp kiểm soát việc sử dụng mạng và chức năng tương ứng của nó, ngăn ngừa các liệu pháp nhận thức hành vi.

Trước khi chứng kiến thực trạng nghiện MXH trở thành một bệnh lý từ sinh viên đến nhà sư, cần có những quy chế về ứng xử trên MXH. Nhà sư thuộc về thiền môn thanh tịch, không thể nhảy lên MXH ồn ào như người bình thường.

Cho nên, trước hết phải có quy tắc sử dụng MXH cho giới tu hành. Vì nhà sư mà cũng câu like, câu view thì sự phàm tục danh lợi sẽ làm vấy bẩn kinh sách trang nghiêm ngàn đời.

Các tin khác