Biến đổi khí hậu, doanh nghiệp và ngân hàng 'chung xuồng'

(ĐTTCO) - Nhắc đến biến đổi khí hậu (BĐKH) nhiều người nghĩ đến doanh nghiệp (DN), vì đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế cả ngân hàng (NH) cũng ảnh hưởng rất lớn từ BĐKH vì có mối quan hệ tương tác giữa hai bên.

Biến đổi khí hậu, doanh nghiệp và ngân hàng 'chung xuồng'

BĐKH liên quan đến tài chính ngày càng lộ rõ

BĐKH là sự thay đổi dài hạn về mô hình thời tiết, tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là DN được thể hiện rõ nhất trong năm nay. Thí dụ đối với ngành cà phê, giá cà phê gần như tăng dựng đứng là một trong những nguyên nhân do mất mùa, lẽ đương nhiên ảnh hưởng từ xuất khẩu đến nhập khẩu của DN, đến từng ly cà phê. Có thể cảm nhận ngay lập tức ở châu Âu, hiện giá cà phê tăng lên rất mạnh so với năm ngoái.

Một thí dụ thứ hai mà hầu như chúng ta đều cảm nhận được từ ảnh hưởng của các cơn bão đang diễn ra liên tục ở khắp nơi trên thế giới, cũng xuất phát từ BĐKH, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cam kết Net Zero của Việt Nam với thế giới. Hai cơn bão nổi cộm gần đây là Yagi ở Việt Nam và Milton ở Mỹ là một minh chứng rõ ràng.

Có 2 loại rủi ro của BĐKH đang tác động trực tiếp đến DN và NH cùng một lúc. Thứ nhất là rủi ro vật chất khi tác động của những cơn bão, đó là nhà cửa, hàng tồn kho và các nhà máy, tiếp đến gây ảnh hưởng trực tiếp bản thân DN. Nhưng bản thân những vật chất đó cũng chính là tài sản thế chấp ở NH.

Tức bảng cân đối của DN và bảng cân đối của NH đồng loạt giảm đi. Đây có thể xem là tổn thất rõ ràng. Nhưng chúng ta chỉ mới cảm nhận được tác động trực tiếp của BĐKH đến rủi ro vật chất, còn những hiện tượng khác như tăng nhiệt độ, hạn hán, cháy rừng… đang diễn ra liên đới đến BĐKH rất lớn.

tuan.jpg

Thứ hai liên quan chuyển đổi xanh, một cụm từ nghe rất quen và đang nóng lên từng ngày. Đó là DN bắt buộc phải tiến hành chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu khắt khe ngày càng lớn của nước nhập khẩu, buộc DN phải chấp nhận tốn chi phí đầu tư xanh, từ đó ảnh hưởng tới dòng tiền và các khoản vay tại NH. Và nhìn rộng ra là câu chuyện liên quan đến nợ xấu khi NH cho vay xanh.

Thực tế những vấn đề này Việt Nam chỉ mới bắt đầu, DN và NH đang trong quá trình tính toán tài chính, chờ đợi khung pháp lý cho tiêu chí xanh. Nếu gọi chung bằng một khái niệm khá rộng là tài chính bền vững, liên quan đến cụm từ EGS (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó môi trường là một trong những yếu tố hàng đầu.

Đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu bàn về tài chính xanh, nhưng ở châu Âu đang bắt đầu di chuyển, sau khi họ yêu cầu các DN xuất khẩu sang châu Âu đáp ứng một số tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, và yêu cầu thêm một số tiêu chuẩn về yếu tố xã hội. Đây là một thách thức có thể nhìn thấy được trong tương lai rất gần ở Việt Nam.

Nước đã đến chân, nhưng phải cẩn trọng

Cách đây vài năm, chúng ta chưa thấy rõ BĐKH và tài chính xanh liên quan đến DN và NH, nhưng gần đây đã có yếu tố chuyển động, do xuất phát từ các kịch bản BĐKH như minh chứng ở trên từ giá cà phê, bão lũ, cháy rừng… Tất cả đều ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của DN và NH.

Hay như gần đây, chúng ta nói nhiều về tài chính xanh, nhưng thật ra những khoản vay hiện tại không phải tài chính xanh. Bởi do chúng ta chưa có khung pháp lý để phân loại như thế nào là tiêu chí xanh.

Do vậy nếu xảy ra sự cố, sẽ làm ảnh hưởng đến những tài sản được sử dụng để làm tài sản thế chấp ở NH, tác động đến rủi ro vỡ nợ, đến nợ xấu và tác động lên cả những mô hình tính toán rủi ro của các NH. Tất cả những vấn đề này sẽ tác động lên lãi suất và chiến lược cho vay của NH.

Lấy thí dụ các NH của châu Âu, trước đây họ chỉ báo cáo sản phẩm cho vay qua đánh giá rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động. Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay, các NH phải công bố rõ ràng trên báo cáo của mình các tác động rủi ro tài chính do BĐKH gây ra.

Tức phải có những kịch bản về sự ảnh hưởng trực tiếp lên dòng tiền và rủi ro đối với bảng cân đối với NH. Đây là vấn đề mà cách đây 2 năm không thấy đề cập nhưng nay trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Hiện khoảng 30% các khoản vay ở NH khu vực sử dụng đồng Euro đang chịu rủi ro tín dụng có hệ thống, tức tác động đến hầu hết các NH, bởi nếu NH không cho vay tài chính xanh vẫn bị ảnh hưởng.

Một thí dụ khác khi các NH nhận ra DN có rủi ro về nợ xấu, phản ứng đầu tiên là NH giảm cho vay hoặc sẽ tăng lãi suất. Nếu các NH đều hành động như vậy, thì tìm đâu ra nguồn vốn để hỗ trợ cho DN trong trường hợp họ gặp rủi ro BĐKH? Tìm đâu ra nguồn vốn để giúp cho DN chuyển đổi xanh. Đây là một thách thức cho cả NH và DN.

Một vấn đề quan trọng hơn là “rửa xanh”. Đó là việc cho vay tín dụng xanh nếu không khéo sẽ trở thành bẫy nợ xanh. Minh chứng là có một DN ở Trung Quốc gần đây đã gây nóng đối với thị trường tài chính toàn cầu, khi DN này đi làm giả số liệu về đánh giá xanh và sau đó huy động vốn.

Sau đó DN này bị phát hiện làm giả số liệu. Hiện rất nhiều tổ chức tài chính, bao gồm một vài NH tên tuổi ở nước ngoài đã đầu tư vào DN này, đã phát hiện ra đó là một hoạt động “rửa xanh”.

Một câu chuyện khác là xếp hạng xanh. Chẳng hạn nếu tiêu chí của Việt Nam công nhận là xanh vì thích ứng với một tổ chức quốc tế. Nhưng nếu sau đó phát hiện ra tổ chức quốc tế đó với các tiêu chí của họ không tương ứng với hầu hết các tiêu chí chung. Như vậy những khoản cho vay xanh đó không được công nhận cho vay xanh đối với rất nhiều tổ chức khác. Đây cũng là rủi ro cho cả một nền kinh tế.

Thật ra những khoản vay hiện tại của các NH cho DN vay không phải tài chính xanh. Bởi do chúng ta chưa có khung pháp lý để phân loại như thế nào là tiêu chí xanh. Do vậy nếu xảy ra sự cố, sẽ làm ảnh hưởng đến những tài sản được sử dụng để làm tài sản thế chấp ở NH, tác động đến rủi ro vỡ nợ, đến nợ xấu và tác động lên cả những mô hình tính toán rủi ro của các NH.

Các tin khác