Bitcoin – cần hành lang để tránh loạn

(ĐTTCO) - Bitcoin và cuộc chơi tiền ảo, tiền kỹ thuật số đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD.
Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường sôi động nhất. Bên cạnh cơ hội, người tham gia cuộc chơi này cũng chịu không ít rủi ro, từ bất trắc vốn có của mô hình mới đến những hoạt động lừa đảo, gian lận đa cấp núp bóng tiền ảo… Đặc biệt, ở Việt Nam bicoin chưa được công nhận, tức rủi ro xảy ra người tham gia sẽ không được bảo vệ.
Đầu cơ, chuyển tiền ẩn danh
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, theo quy định luật pháp, tài sản sở hữu có 3 loại là vật, tiền và tài sản. Tuy nhiên, bitcoin không thuộc bất cứ hình thức nào. Vì thế, có thể coi bitcoin là một vật phẩm ảo hay ở Việt Nam gọi là tiền ảo, vì bản chất bitcoin không phải là tiền.
Hoạt động đầu tư dựa trên tâm lý đám đông rất nguy hiểm, bong bóng đó có thể vỡ bất cứ lúc nào. Chính vì lẽ đó, do điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay thay vì chỉ cấm dùng bitcoin để thanh toán, lúc này Chính phủ nên cấm cả việc mua bán.
Ông Trương Văn Phước
Dưới góc độ là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bitcoin cho thị trường, ông Nguyễn Việt Bách đến từ Bitcoin.vn, cho rằng nhiều người đổ xô vào bitcoin chủ yếu là đầu cơ, mua để chờ giá lên rồi bán. Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, dưới góc nhìn dân tài chính, chưa thể coi bitcoin là tiền, vì tiền cần ngân hàng trung ương các nước công nhận và hiện bitcoin cũng chưa có tỷ giá hối đoái. Ngay đồng tiền dựa trên nền tảng blockchain có thể thay thế các đồng tiền hiện tại nhưng tất cả chỉ là công nghệ được ứng dụng trong thanh toán. 
Cho đến thời điểm này, các sản phẩm trên chưa thể gọi là đồng tiền. Phần lớn mọi người đang coi đây là sản phẩm đầu cơ. Khi đầu cơ quá lớn sẽ để lại hậu quả về sau, như bong bóng hoa tuylip ở Hà Lan (khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận, khi giá không ngừng tăng vọt rồi sau đó lao dốc một cách thảm hại), đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, đồng tiền dựa trên công nghệ blockchain còn tạo sức hấp dẫn đối với một số quốc gia không minh bạch với chuyển tiền ẩn danh.
Như việc mua đồng tiền ở Việt Nam và rút ở Nga hay Hoa Kỳ là hành động chuyển tiền. Những người có nhu cầu chuyển tiền ẩn danh, Nhà nước cần đưa ra giải pháp để có thể biến ẩn danh thành có danh và quản lý việc chuyển tiền. 
“Theo tôi, có 2 lý do để đồng tiền này tăng nhanh thời gian qua, gồm công cụ đầu cơ và công cụ chuyển tiền ẩn danh. Nhà nước cần đưa ra giải pháp ngăn chặn việc này để giúp phân tách người làm ăn bài bản với người lợi dụng câu chuyện biến tướng thành bán hàng đa cấp, lừa đảo hay thực hiện việc chuyển tiền ẩn danh khó kiểm soát” - ông Hưng nói.
Bitcoin – cần hành lang để tránh loạn ảnh 1
Cửa rủi ro rất lớn
Theo ông Trương Thanh Đức, tiền ảo sống được do tiền thật. Bởi muốn mua được tiền ảo phải nộp tiền thật vào. Do vậy, nộp ở đâu, tiền gì và chuyển cho ai cần có sự quản lý. Động tác chuyển tiền phải có tiền thật, có đầu vào đầu ra, có giao dịch thực sự mới có ý nghĩa. Nhưng khi giao dịch như vậy đều bị quản lý bởi Nhà nước, đều bị phong tỏa nên không thể tự bitcoin trở thành tiền được.
“Tôi nghĩ không nên đi theo hướng xây dựng luật bao quanh để kiểm soát bitcoin, mà trước tiên các tổ chức cần ngồi lại với nhau để định nghĩa rõ ràng bitcoin là gì, từ đó mới có thể đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát. Nếu bitcoin là tiền sẽ dựa theo quy định về tiền để soát xét, nếu là công cụ tài chính theo luật tài chính. Việc cần làm là quản lý theo định nghĩa, không phải tạo ra luật mới để kiểm soát” - ông Đức nhận xét.
Theo ông Dominik Weil, trước khi Chính phủ có luật hướng dẫn, mọi người nên biết tự bảo vệ mình. Nếu có ai đến nói rằng đầu tư có thể thu về hàng trăm triệu USD không nên tin, vì không có khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận khổng lồ như vậy. Trước khi đầu tư, phải đọc nguồn tin chính thống, đừng tin vào lời hứa hẹn. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nếu chỉ nhìn vào sự tăng giá của bitcoin khiến mọi người đổ xô đầu tư chỉ là sản phẩm đầu cơ, và nó sẽ phá uy tín của đồng tiền ban đầu. Quả bóng bitcoin vỡ khủng hoảng cũng sẽ không kém khủng hoảng trong quá khứ.
Dự đoán về bitcoin 5 năm tới, ông Nguyễn Việt Bách, nhận định trong vòng 1-2 năm nữa bitcoin vẫn có thể tăng, đến 50.000-100.000USD. Tuy nhiên nhiều vấn đề đang xuất hiện, nhiều đồng tiền cạnh tranh và bitcoin cũng đang phân nhánh và 5 năm nữa không thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, ông Trương Thanh Đức cho rằng loại trừ các cơ sở và tiền tệ khác, đồng bitcoin có thể lên tới triệu USD, nhưng cũng có thể nhanh chóng biến mất và sau 5 năm bitcoin sẽ gần về với số 0.
Trả lời báo giới, ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc tạo ra các bitcoin thông qua một quá trình đào cực kỳ phức tạp, đòi hỏi các thuật toán, phần mềm mở. Thực tiễn của kinh tế - xã hội Việt Nam, rất ít người có thể tiếp cận đến nguồn gốc sâu xa của nguồn cung đó. Điều đó sẽ tạo ra rủi ro vô cùng lớn bởi chỉ có nhu cầu đầu cơ bitcoin. Bitcoin thuộc về nơi không được kiểm soát. Khi sai sót, sự cố xảy ra như giao dịch thất bại, nhà đầu tư bị hack, chủ sàn đóng cửa... không ai đứng ra bảo vệ, nhất là khi Việt Nam không công nhận. 

Các tin khác