Brett Heath, CEO công ty Metalla Royal & Streaming tại Canada, cảnh báo việc áp dụng tiền mã hóa trên quy mô lớn có thể tác động xấu đến nền kinh tế, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo trên toàn cầu nếu thị trường sụp đổ.
Trong cuộc phỏng vấn với Kitco News, Brett Heath đã so sánh thị trường tiền mã hóa với "bong bóng dot-com" đầu thập niên 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Khi nhìn lại những cuộc khủng hoảng tài chính trong các thập kỷ qua, bạn sẽ thấy chúng có vài điểm chung. Một trong số đó là việc áp dụng hàng loạt sản phẩm tài chính, công nghệ mới chưa được nghiên cứu kỹ", Heath cho biết.
"Không ai biết thị trường tiền số sẽ tăng đến mức nào"
"Quay lại cuộc khủng hoảng tài chính 2008... Chúng ta đã sử dụng hàng loạt chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS)... Khi mọi người chấp nhận sản phẩm tài chính mới này, nó đã sụp đổ", Heath cho rằng tiền mã hóa đang đi theo "vết xe đổ" của 13 năm trước.
CEO Metalla cũng đặt câu hỏi về khả năng chống lạm phát của tiền mã hóa, mô tả chúng như "giấy phép cho các công ty tư nhân in tiền".
"Nếu dựa trên tổng vốn hóa, thị trường tiền mã hóa đã tăng gấp 10 lần (trong cùng khoảng thời gian trên)", Heath bày tỏ lo lắng về rủi ro khi đầu tư hàng loạt vào loại tài sản "không có giá trị nội tại". Kết quả có thể dẫn đến những đợt bán tháo tương tự khi "bong bóng dot-com" của giới công nghệ bùng nổ vào đầu những năm 2000.
"3.000 tỷ USD, 4.000 tỷ USD hay 5.000 tỷ USD. Bạn không thể biết thị trường tiền mã hóa sẽ tăng đến mức nào... Khi lượng vốn hóa ấy bị thổi bay khỏi các ví điện tử trên toàn cầu, hãy tin rằng nó sẽ tác động lớn đến giới tài chính", Heath cho biết.
Được thành lập tại Canada vào năm 1983, Metalla Royal & Streaming là công ty cung cấp dịch vụ rót vốn cho mỏ khai thác kim loại quý. Nhà đầu tư sẽ được chia phần trăm doanh thu từ các mỏ đã hợp tác, hoặc một phần sản lượng kim loại khai thác.
Quan điểm trái chiều về tiền mã hóa
Quan điểm của Heath giống với James Bullard, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis (Mỹ). Trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance ngày 25-5, Bullard khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi tham gia thị trường tiền mã hóa, khẳng định phần lớn chúng là "vô giá trị". Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư đã tìm hiểu các rủi ro này.
"Bằng cách tung ra loại tiền số an toàn của ngân hàng trung ương, có thể tiếp cận bởi các gia đình, doanh nghiệp trong hệ thống thanh toán điện tử, chúng sẽ giúp giảm rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn cho khách hàng và sự ổn định tài chính", Lael Brainard, Thống đốc Fed chia sẻ.
Khi được hỏi liệu tiền mã hóa như Bitcoin có thể trở thành tài sản như vàng, Heath khẳng định điều đó không thể xảy ra. Ông cho rằng giới hạn 21 triệu Bitcoin không có lợi cho loại tài sản này, song chỉ ra các loại tiền mã hóa có giá trị thấp nhưng phía sau là nền tảng công nghệ tốt hơn. Nếu khủng hoảng xảy ra, một số loại tiền mã hóa có thể sống sót và thống trị thị trường.
Bitcoin và thị trường tiền mã hóa đã trải qua thời gian biến động giá mạnh. Theo dữ liệu của CoinDesk hôm 28-5, giá Bitcoin có thời điểm giảm xuống 35.184 USD/đồng. Đến sáng 29/5 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin tăng nhẹ lên 35.300 USD/đồng, giảm 8% trong 24 giờ qua.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc và Iran đã cấm các hoạt động khai thác Bitcoin vì sử dụng quá nhiều năng lượng. Giới quan sát dự đoán Mỹ cũng có thể tăng cường giám sát do tính biến động mạnh và quy mô của thị trường tiền mã hóa ngày một tăng.
Bên cạnh những quan điểm tiêu cực, một số chuyên gia nhận thấy tiềm năng phát triên của tiền mã hóa. Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định tiền mã hóa có thể trở thành giải pháp thay thế vàng, cho những người tìm kiếm loại tài sản "độc lập, tách biệt khỏi hoạt động hàng ngày của các chính phủ".
"Tiền mã hóa có thể trở thành tài sản được chấp nhận bởi những người tìm kiếm giải pháp an toàn để giữ của cải. Tôi cho rằng tiền mã hóa sẽ vẫn tồn tại, như một loại vàng kỹ thuật số", Summers cho biết.