Bám sát xu hướng tăng của thị trường thế giới, cuối giờ sáng 29/5, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội tăng 140 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 220 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,39-56,89 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng gần 400 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp, đẩy sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát.
Trong tuần, giá vàng trong nước trải qua nhiều phiên điều chỉnh, tuy nhiên lượng điều chỉnh không nhiều như phiên cuối tuần 29/5, chủ yếu giữ giao dịch quanh mốc 56,5 triệu đồng/lượng.
Mở cửa đầu tuần 24/5, giá vàng giữ giao dịch ở mức 56,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trên thị trường thế giới chấm dứt sáu phiên tăng liên tiếp.
Giá vàng trong nước trong phiên 25/5 lại giảm ngược với diễn biến tăng cao của giá vàng thế giới.
Sang phiên giao dịch 26/5, tiếp đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có sự điều chỉnh tăng nhẹ.
Tiếp đó, giá vàng trong nước phiên 27/5 giữ ổn định, dù giá vàng thế giới giảm xuống dưới mức 1.900 USD/ounce.
Phiên giao dịch 28/5, giá vàng trong nước duy trì ổn định, trong khi giá vàng thế giới cũng không biến động, giao dịch sát ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phiên 27/5.
Trên thị trường thế giới, sau khi chứng kiến hai phiên đi xuống liên tiếp, giá vàng đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần 28/5 và vượt mốc 1.900 USD/ounce, qua đó giúp thị trường kim loại quý này ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp.
Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt trong tháng 4 năm 2021, qua đó đẩy sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay tiến 0,3% lên 1.902,27 USD/ounce, sau khi giảm 0,8% vào đầu phiên.
Giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng 1,1% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cộng 0,4%, lên 1.905,3 USD/ounce.
Giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh vào tháng 4/2021, với thước đo lạm phát cơ bản vượt qua mục tiêu 2% của Fed.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định, số liệu về tiêu dùng cá nhân tăng nhẹ tiếp tục hỗ trợ môi trường lạm phát tiềm ẩn, vốn rất thuận lợi cho vàng.
Ông Meger nói thêm, việc Fed từ chối giảm tốc độ chương trình mua trái phiếu hoặc nâng lãi suất cũng hỗ trợ vàng, mặc dù có những kháng cự tâm lý ở mức 1.900 USD/ounce và đồng USD mạnh hoạt động như một rào cản đối với vàng.
Tỷ số của đồng USD cũng thu hẹp đà tăng trong phiên 28/5, khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, trong khi lợi suất Mỹ giảm, dẫn đến làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Nhà Trắng đã công bố một đề xuất ngân sách trị giá 6.000 tỷ USD để tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng, giáo dục và chống biến đổi khí hậu. Nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng và lạm phát tiếp tục nóng lên, nhu cầu vàng sẽ dồi dào hơn.
Trước đó, từ phiên đầu tuần 24/5, giá vàng đã tăng cao do đồng USD suy yếu cùng với việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm củng cố sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Giá vàng thế giới vẫn gần mức đỉnh của hơn bốn tháng trong phiên 25/5, trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm giữa đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích hợp.
Tuy nhiên, xu hướng này đã bị chặn lại ở phiên giao dịch 26/5 và tiếp tục đẩy giá vàng đi xuống trong phiên 27/5, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại. Bên cạnh đó, số liệu kinh tế Mỹ lạc quan phản ánh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Yếu tố giúp hạn chế đà giảm của vàng trong phiên này là một số quan chức Fed đã nhắc lại cam kết đối với lập trường chính sách ôn hòa.
Trước đó, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida cũng cho biết, ngân hàng trung ương này có khả năng kiềm chế lạm phát leo thang mà không làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế.