BMP có hồi phục sau cú 'ngã ngựa' đầu tiên trong lịch sử?

(ĐTTCO) - Dù đã cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý, nhưng CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) vẫn lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ sau thuế 26 tỷ đồng trong quý vừa qua do tác động của dịch Covid-19.

 

Biên lợi nhuận gộp của BMP có thể phục hồi lên 17,4% trong năm 2022 từ mức ước tính 13,4% trong năm 2021
Biên lợi nhuận gộp của BMP có thể phục hồi lên 17,4% trong năm 2022 từ mức ước tính 13,4% trong năm 2021

Lần đầu tiên nếm mùi thua lỗ

Hoạt động sản xuất kinh doanh của BMP bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tháng 7 do chính sách giãn cách xã hội và các khó khăn trong vận chuyển hàng hóa ở miền Nam.

Đặc biệt, hầu hết các dự án xây dựng đã bị tạm ngưng trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 tại các thị trường trọng điểm như TPHCM và Bình Dương.

Do đó, sản lượng tiêu thụ trong quý III của BMP giảm đến 58% xuống còn 11.000 tấn, doanh thu thuần giảm 57% so với cùng kỳ, còn 527 tỷ đồng. Trong khi đó, giá hạt nhựa PVC bình quân hàng quý tiếp tục tăng 7,3% gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp.

Giá nguyên liệu tăng nhưng trong bối cảnh nhu cầu yếu nên giá bán trung bình của BMP chỉ tăng 4,6% lên 50,2 triệu đồng/tấn, khiến biên lợi nhuận gộp đã giảm từ 12,4% trong quý II xuống chỉ còn 4,3% trong quý III.

Dù chi phí bán hàng và quản lý đã được cắt giảm đáng kể (giảm 66%) nhưng kết quả kinh doanh của BMP vẫn sa sút nghiệm trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của BMP ghi nhận mức âm 26 tỷ đồng.

Kỳ vọng phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ ống nhựa tăng mạnh

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), giá nguyên vật liệu cao có thể là thách thức đối với các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính yếu, nhưng với doanh nghiệp có tài chính lành mạnh như BMP đây chính là cơ hội để tận dụng khi nhu cầu phục hồi.

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội vào đầu tháng 10, đặc biệt là cho phép các hoạt động xây dựng trở lại, doanh thu của BMP phục hồi nhanh chóng từ 9,8 tỷ đồng/ngày trong tháng 9 lên khoảng 21 tỷ đồng/ngày trong tháng 10. Mức tiêu thụ này còn cao hơn mức 16,1 tỷ đồng/ngày trong quý II.

Dự báo, BMP sẽ bán được khoảng 30.000 tấn trong quý IV, tương đương quý II và hoàn thành khoảng 84% kế hoạch năm 2021. VDSC dự báo, biên gộp của BMP cũng sẽ có sự cải thiện từ mức 4,5% trong quý III lên khoảng 13,5% trong quý IV.

Dự báo về năm 2022, theo VDSC, biên lợi nhuận gộp và sản lượng tiêu thụ có thể tiếp tục cải thiện. Đặc biệt, việc giá hạt nhựa PVC đã giảm 33% so với mức đỉnh khoảng 2.200 USD/tấn xuống chỉ còn 1.450 USD/tấn, giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Về phía cầu, hoạt động xây dựng sẽ sôi động hơn nhờ các dự án dân cư bị hoãn lại trước đó và đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể mang lại khối lượng công việc lớn cho ngành xây dựng. Nhu cầu cao hơn đối với ống nhựa có thể hỗ trợ cả giá bán và sản lượng tiêu thụ của BMP tăng lần lượt 4,2% và 21%.

Do đó, VDSC dự phóng biên lợi nhuận gộp của BMP có thể phục hồi lên 17,4% vào năm 2022 từ mức ước tính 13,4% trong năm 2021.

Các tin khác