Bộ Công thương họp 'nóng' về tình hình Biển Đỏ

(ĐTTCO)-Chi phí vận tải biển đã tăng trên 55%-60% và có xu thế tăng từng ngày, trong khi xuất nhập khẩu của Việt Nam vào khu vực này chiếm gần 30%.

Cuộc họp "nóng" về tình hình Biển Đỏ ngày 6-2. Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Cuộc họp "nóng" về tình hình Biển Đỏ ngày 6-2. Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Ngày 6-2, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp "nóng" với các hiệp hội, đơn vị nhằm thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình Biển Đỏ.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ảnh hưởng của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam không hề nhỏ vì năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu đạt 71,14 tỷ USD với châu Âu và 122,3 tỷ USD với khu vực Bắc Mỹ. Hai khu vực này chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023. Khó khăn đã nhìn thấy là tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải tăng, xa hơn là nguy cơ giá dầu tăng.

Tham dự cuộc họp có đại diện Cục Hàng hải Việt Nam. Vị này cho biết, giá cước tàu hiện vẫn ở mức cao. Từ tháng 1-2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Hoa Kỳ, Canada tăng mạnh so với tháng 12-2023, từ mức 1.850 USD/container lên 2.873 - 2.950 USD/container tại Bờ Tây (tăng 55 - 60%); còn Bờ Đông tăng thêm 58 - 73%.

Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình Biển Đỏ, tại cuộc họp, các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp đã đề xuất ổn định giá cước và phí vận chuyển, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế, đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa...

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh và đề xuất giải pháp

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thị trường châu Mỹ, châu Âu chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam nhưng ảnh hưởng trực tiếp trước mắt chưa nhiều. Bởi các đơn hàng đã ký kết thì thường doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm cho đến giai đoạn hàng lên tàu, các khâu tiếp theo sẽ do các hãng tàu và khách hàng (đối tác) chịu.

Đáng lo nhất là không lường được khi nào tình trạng này kết thúc. Nếu cứ kéo dài, ở các đơn hàng được ký tiếp theo, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự chia sẻ về mức chi phí vận chuyển tăng thêm với đối tác.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị các hãng tàu cần phải minh bạch về các phụ phí; thông tin sớm, kịp thời để doanh nghiệp có định hướng ứng phó.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phát biểu. Ảnh: NGUYỄN HẠNH

Đánh giá cao việc 3 bộ cùng vào cuộc để tìm giải pháp tháo gỡ, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các hãng tàu phần lớn chuyển tuyến đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng, trong bối cảnh năm 2023 cả hàng nhập và hàng xuất giảm 30-40%, điều này đồng nghĩa các hãng tàu đều sẽ cắt giảm tàu mẹ. Cộng với căng thẳng Biển Đỏ thì việc kéo dài thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu thêm 14 ngày, độ trễ tăng thêm gấp đôi.

Do đó, điều doanh nghiệp quan tâm lúc này là sự chung tay, hỗ trợ của các hãng tàu, một trong những mắt xích quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu

Theo ông Trần Thanh Hải, khó khăn này không phải một mình Việt Nam có thể giải quyết và khó tránh được tác động. Nhưng bằng cách nắm bắt thông tin nhanh nhất, dự báo tác động chính xác nhất có thể, cùng các biện pháp ứng phó phù hợp, chúng ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực, thậm chí có thể biến “nguy” thành “cơ” với một số ngành.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề nghị cần duy trì tuyến, đưa container rỗng về để đảm bảo duy trì hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, cần thực hiện đúng quy định về niêm yết giá cước, phụ phí. Đồng thời, nghiên cứu thêm các phương thức vận tải như đường sắt, hàng không. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó.

Các tin khác