Nợ xấu tăng nhiệt
Trong kỳ công bố BCTC quý II, tổng nợ xấu nội bảng tại VPBank ở mức 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu/cho vay trên báo cáo hợp nhất của NH tăng mạnh từ 4,57% lên 5,25%. VietBank cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng quy định, khi con số này tại báo cáo hợp nhất là 3,99%. Các NH còn lại dù vẫn giữ tỷ lệ nợ xấu trong ngưỡng 3%, song nhìn vào diễn biến các nhóm nợ, nợ xấu đang có dấu hiệu tăng nhiệt.
Tại VIB, tổng nợ xấu đến cuối tháng 6 ở mức hơn 5.428 tỷ đồng, tăng 16,2% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 32% lên 2.125 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 67% lên 2.210 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, nợ nhóm 4 của TPBank tăng 23,4% lên 430,5 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng hơn 50% lên 448,6 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của nhà băng này tăng 11,1% lên 1.285,3 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,81% lên 0,85%. Nợ nhóm 5 của LienVietPostBank tăng 37,8% lên 1.837,7 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng 67,5% lên 771 tỷ đồng. SaigonBank, nợ nhóm 3 tăng 149% lên 42,5 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng tới 558% lên 121,7 tỷ đồng…
Nợ xấu tăng không ngoài dự đoán. Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cuối năm 2016 nợ xấu nội bảng 2,5%, nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng được các TCTD báo cáo, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn là nợ xấu) 10,1%. Tháng 9-2017, nợ xấu nội bảng 2,34%, nợ xấu gộp còn 8,61%. Đến 2021, nợ xấu nội bảng 1,5%, nợ xấu gộp khoảng 6,3%.
Số liệu cho thấy, nợ xấu đã giảm khá mạnh. Thậm chí cuối quý I-2022, nợ xấu của 29 NHTM giảm 12,8%, nợ xấu nội bảng 1,4%, nợ xấu gộp 6% (nợ xấu gộp giảm chủ yếu do nền kinh tế phục hồi và các TCTD dùng DPRR để xử lý). Dự báo đến cuối năm nợ xấu nội bảng của các TCTD có thể bị đẩy lên 2%.
Ghi nhận từ BCTC quý vừa qua, vẫn có một số NH công bố nợ xấu giảm so với đầu năm, tuy vậy tổng nợ xấu nội bảng của 27 NH đã ở mức gần 146.200 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Song thời điểm kết thúc quý II cũng là lúc Thông tư 14/2021 vừa hết hạn. Theo SSI Research, tỷ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu.
Đồng thời, rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. Ở bối cảnh như vậy, nợ xấu sẽ còn nhiều bất ngờ ở 6 tháng cuối năm.
Liệu bộ đệm đã an toàn?
Hiện tại, hàng loạt NHTM đang ứng phó với nợ xấu bằng cách tăng trích lập DPRR, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao. Nhóm NHTM có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu 150-500% (tức 1 đồng nợ xấu của NH có đến 1,5-5 đồng dự phòng). Nhóm có lợi nhuận cao kế tiếp cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu quanh mức 100%.
Vậy nên, thời gian gần đây có khá nhiều nhận định nợ xấu do Covid-19 gây ra sẽ dần lộ diện, nhưng việc chủ động trích lập DPRR của các NH khiến những lo lắng sẽ giảm dần… Tuy nhiên, bộ đệm dày chỉ có ở nhóm NHTM có quy mô lớn, nhóm còn lại vẫn có tỷ lệ bao phủ nợ xấu 50% như VietBank, PGBank, ABBank, Saigonbank, thậm chí ở mức 28% tại BaoVietBank.
Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH đặt ra vấn đề, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao được cho là tín hiệu tốt nhưng chỉ trên sổ sách, tức chỉ nằm trên bút toán. Nói cách khác, các khoản DPRR được công bố chưa chắc đều là dòng tiền thật được đưa vào trong quỹ, để khi xử lý nợ xấu NH lấy ra đền bù cho khoản nợ mất vốn.
Khoản DPRR cao sẽ là cách để NH đảm bảo với cổ đông, nhà đầu tư, các NH đang cho họ vay và cả với NHNN, con số lợi nhuận trên sổ sách không bị tác động bởi nợ xấu. Nhưng các khoản được "xử lý" trên sổ sách bằng cách hạch toán này sẽ tiềm ẩn khả năng dòng tiền cho vay "mất thật" nếu nợ không thu hồi được. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự mất thanh khoản của NH, nhất là các NH có quy mô nhỏ.
Để bù trừ cho việc mất thanh khoản, các NH sẽ phải huy động "tiền tươi thóc thật" bù cho việc mất tiền thật từ cho vay trong những năm qua. Lãi suất huy động đang tăng và sẽ tiếp tục tăng. Điều này cũng giải thích cho việc tại sao nhiều NH không còn hạn mức để cho vay nhưng vẫn tăng lãi suất tiền gửi để tiếp tục phải huy động vốn từ người dân. TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý các NH đạt lợi nhuận cao, nhưng đằng sau tấm bình phong lợi nhuận vẫn có rủi ro tiềm ẩn, cơ quan quản lý cần theo dõi kỹ vấn đề này.
Việc NH đang ứng phó với nợ xấu cũng có tương quan với lãi suất cuối năm. Vì khi NH phải trích lập DPRR cho nợ xấu, dù trên bút toán hay có thực cũng đều đẩy chi phí hoạt động tăng lên. Hơn nữa, các NH có thể chưa trích lập DPRR nhiều cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, trong khi các rủi ro liên quan đến lĩnh vực này đang dần hiện hữu.
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14% và 6 tháng đầu năm đã tăng 9,35%, mức tăng rất nóng. Đến cuối tháng 7, các NH đã sử dụng hết hạn mức tín dụng, không thể cho vay thêm nhiều và gây ra sự ách tắc lớn trong hoạt động. Cũng đồng thời, các NH cho vay chủ yếu trung và dài hạn trong khi tiền gửi của khách hàng là ngắn hạn, nên rủi ro thanh khoản rất lớn.
Không chủ quan khi các nhà băng công bố số liệu trích lập DPRR lớn, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao. Con số này không có nghĩa hệ thống NH đã nằm trong vùng an toàn. |