Thời gian gần đây, thông tin nhiều loại đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc có chất phthalate có thể gây ung thư, biến dạng giới tính bé trai, làm bé gái dậy thì sớm… đang khiến dư luận hết sức quan tâm.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc bị cảnh báo do chứa những chất gây hại đến sức khỏe trẻ em, thế nhưng những sản phẩm này vẫn được bày bán tràn lan.
Thực trạng này một phần đến từ việc các DN trong nước đang bỏ ngỏ thị trường nhiều tiềm năng này. Khảo sát một vòng thị trường đồ chơi trẻ em sẽ thấy, các cửa hàng có uy tín bán chủ yếu hàng nhập ngoại với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/sản phẩm, còn nếu ra các khu chợ truyền thống thì hàng Trung Quốc tràn ngập với mức giá rất bèo.
Vậy hàng Việt Nam đang ở đâu? Đến nay số DN có uy tín tham gia thị trường này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay như Nam Hoa, Đức Thành, Veesano... Song các sản phẩm đồ chơi chưa phong phú về mẫu mã, màu sắc.
Không chỉ riêng đồ chơi mà rất nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dành cho trẻ em dường như vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của các DN. Trong khi cuộc sống đang ngày một nâng cao, sự đầu tư cho con cái của các bậc phụ huynh đã "mạnh tay" hơn rất nhiều.
Theo một nghiên cứu gần đây, trung bình 1 phụ huynh chi tiêu cho con khoảng 800.000 đồng/tháng, riêng tại TPHCM con số này là 1,4 triệu đồng. Hiện nay, lĩnh vực được nhiều DN quan tâm nhất trong những sản phẩm dành cho trẻ em là may mặc với sự tham gia của hàng trăm DN.
Còn những mảng khác, đặc biệt là sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như bình sữa, xe nôi, máy tiệt trùng, hóa mỹ phẩm… phần lớn vẫn là hàng ngoại nhập. Rồi các dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ em cũng thiếu trầm trọng. Thậm chí ngay cả mặt hàng thiết yếu nhất với trẻ nhỏ là sữa và thực phẩm dinh dưỡng thì hiện nay thị trường vẫn tràn ngập các mặt hàng sữa ngoại.
Tất nhiên, không thể phủ nhận sự lớn mạnh của những thương hiệu nội như Vinamilk hay Nutifood với sự đầu tư bài bản từ công tác nghiên cứu sản phẩm đến các hoạt động marketing. Song việc tràn ngập hàng ngoại vẫn cần nhiều sự nỗ lực hơn nữa từ DN nội.
Cũng có ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng Việt còn có tâm lý chuộng hàng ngoại nên DN muốn đầu tư cũng phải cân nhắc, dè dặt. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, việc lựa chọn hàng nội có giá thành phải chăng mà chất lượng không thua kém bao nhiêu hoặc ngang ngửa đang trở thành xu hướng tất yếu.
Và không ai khác, chính DN phải là người tạo ra thói quen dùng hàng "made in Vietnam" cho người tiêu dùng. Đã đến lúc DN cần nhìn nhận lại một thị trường tiềm năng đang bị bỏ ngỏ này và nhanh chân chiếm lại.