“Bộ Quốc phòng rất quan ngại trước thông tin một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa trên biển Đông.
Lối hành xử của Trung Hoa đi ngược lại tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền của họ, không bị cưỡng bách và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các luật lệ và chuẩn mực quốc tế được chấp nhận.
Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác của mình để bảo đảm tự do hàng hải và cơ hội kinh tế khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vì trật tự này đặt ra các điều kiện cho phép chúng ta xử lý mối đe dọa chung này một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động gây bất ổn ở khu vực, làm phân tán phản ứng toàn cầu đối với đại dịch, hoặc gây nguy cơ không đáng dẫn tới thiệt hại về người và của”.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt lợi dụng tình hình để củng cố yêu sách phi pháp
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa khiến 8 ngư dân Việt Nam rơi xuống biển, rồi sau đó phía Trung Quốc đổ lỗi tàu cá đâm vào tàu hải cảnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, tuyên bố, Mỹ “quan ngại sâu sắc” trước vụ việc. “Vụ việc là hành động mới nhất trong chuỗi hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm củng cố yêu sách biển phi pháp và gây tổn thất cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở biển Đông”, bà nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Trung Quốc cần “tập trung hỗ trợ nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và chấm dứt việc khai thác sự phân tán hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác nhằm mở rộng yêu sách phi pháp của mình ở biển Đông”.
Bà Ortagus cũng chỉ ra rằng, từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Trung Quốc có nhiều hoạt động đơn phương ở quần đảo Trường Sa như vận hành các trạm nghiên cứu mới tại các căn cứ quân sự của họ trên đá Chữ Thập và đá Subi, cho hạ cánh máy bay quân sự đặc biệt trên đá Chữ Thập.