Bổ sung 14.620 tỷ đồng vào ngân sách phòng chống dịch

(ĐTTCO) - Ngày 22-9, ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát 4 chuyên đề trong năm 2022; xem xét tờ trình của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Sau giám sát, cần có kiến nghị xử lý


Một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 được xác định là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Theo kế hoạch, trước ngày 5-4-2022, đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát và phim minh họa, dự thảo nghị quyết, báo cáo UBTVQH.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: “Công tác giám sát phải vừa toàn diện, vừa có trọng tâm trọng điểm. Tinh thần là đảm bảo nguyên tắc “4 mắt” - ai làm gì cũng phải có người khác giám sát. Kết thúc giám sát cần có kiến nghị hình thức xử lý thích đáng với các tổ chức cá nhân sai phạm, chậm trễ, cản trở công tác thi hành pháp luật”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, công tác giám sát cũng cần chỉ ra những bất cập của văn bản pháp luật.

Liên quan đến kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hai vấn đề cần có câu trả lời rõ ràng sau giám sát: Sau khi sáp nhập có tinh giản được đầu mối và biên chế cùng với đó là tiết giảm về ngân sách hay không; sau sáp nhập có đạt yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hay không, chỉ số hài lòng của người dân thế nào?

Bổ sung 14.620 tỷ đồng vào ngân sách phòng chống dịch ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG



Trong khi đó, chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” sẽ tập trung vào khu vực công với 5 lĩnh vực: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH bày tỏ quan tâm đặc biệt đến việc sử dụng tài nguyên đất đai, yêu cầu làm rõ địa chỉ của những dự án đã được giao nhưng bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích.

Ở chuyên đề giám sát thứ 4, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, quá trình giám sát phải trả lời được câu hỏi vì sao khiếu nại tố cáo còn diễn biến phức tạp, nêu được kiến nghị giải pháp để tạo chuyển biến căn bản trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là với các vụ việc nổi cộm, kéo dài.

Đề xuất hỗ trợ TPHCM 2.000 tỷ đồng

Tại phiên họp chiều 22-9 của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm Covid-19 cho khoảng 80 triệu người dân trong năm 2021, dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vaccine, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 28.500 tỷ đồng. Sau khi trừ số đã chi (8.887 tỷ đồng) và nguồn ngân sách địa phương dự kiến bố trí cho mục đích này (3.540 tỷ đồng), ngân sách trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16.073 tỷ đồng. Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm thì nhu cầu kinh phí mua vaccine sẽ lớn hơn. Theo phương án của Bộ Y tế, để đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 300.000 người nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ ngân sách nhà nước khoảng 60.570 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương chi khoảng 23.440 tỷ đồng. Căn cứ khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm, nhất là mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, dự kiến ngân sách trung ương phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương trong thời gian tới khoảng 20.000-24.000 tỷ đồng. Tổng hợp chung, nhu cầu Trung ương phải chi để mua vaccine và chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới khoảng 36.000-40.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định sử dụng 14.620 tỷ đồng kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung nguồn dự phòng, tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, dự kiến trước mắt sử dụng 4.900 tỷ đồng để chi hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (1.000 tỷ đồng), Bộ Công an (900 tỷ đồng). Đồng thời, hỗ trợ một số địa phương như TPHCM (2.000 tỷ đồng), Bình Dương (500 tỷ đồng), Đồng Nai (500 tỷ đồng). Đây là các địa phương theo quy định hiện hành phải tự lo toàn bộ kinh phí thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng của dịch quá lớn, địa phương đã sử dụng cơ bản hết các nguồn dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính; đã cắt giảm, tiết kiệm chi và nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nên cần Trung ương hỗ trợ thêm.

Sau khi thảo luận, làm rõ thêm một số thông tin, UBTVQH đã biểu quyết nhất trí với đề xuất của Chính phủ cho phép chuyển 14.620 tỷ đồng vào dự phòng ngân sách trung ương để Chính phủ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về tính tuân thủ, bảo đảm hiệu quả, đúng mục đích, ưu tiên cho công tác chống dịch. Riêng việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho phòng,chống dịch Covid-19 cần có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và cần được Quốc hội cho phép.

Các tin khác