Bộ Tài chính: Giá xăng Việt Nam đang thấp so với thế giới

(ĐTTCO)-Với 7 lần điều chỉnh giá từ cuối năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới.
Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã 7 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (cả tăng và giảm). Ảnh: Phạm Ngôn.
Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã 7 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (cả tăng và giảm). Ảnh: Phạm Ngôn.

Nội dung về cách tính giá xăng, dầu cũng như công tác quản lý, điều chỉnh giá mặt hàng này vừa được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.

Gửi kiến nghị tới Ban Dân nguyện trước đó, cử tri phản ánh hiện Bộ Tài chính áp dụng cách tính giá xăng dầu dựa vào các loại thuế, phí quá cao như thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít; 4 loại thuế chiếm 38%...

Ngoài ra còn một số chi phí khác như vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62% dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao.

Cử tri đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh thuế và phí phù hợp để giảm giá xăng dầu, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính khái quát diễn biến giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Theo đó, từ đầu 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường, trong đó có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn.

Trong nước, để giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá xăng dầu trên thế giới đối với giá xăng dầu trong nước, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu.

“Từ cuối tháng 11/2021 đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã 7 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (cả tăng và giảm), để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới”, Bộ Tài chính thống kê.

Phân tích rõ hơn về chính sách, cơ cấu thuế, phí và yếu tố cấu thành trong công thức giá, Bộ Tài chính cho biết các sắc thuế áp dụng với mặt hàng xăng, dầu gồm: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính cho rằng so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước khoảng 45-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mở lớn thì thấp hơn).

Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này chỉ chiếm 5-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Bộ Tài chính nhấn mạnh giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được sử dụng hợp lý, giúp công tác điều hành giá trong nước tăng/giảm ở mức độ phù hợp, không đột biến.

Qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, giá xăng của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít.

Tại Việt Nam, giá xăng E5 RON 92 bán ra trên thị trường trong nước ngày 7/2 là 23.590 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.360 cho mỗi lít. Theo Bộ Tài chính, mức này thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng dầu chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).

Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí… Đặc biệt, Nghị quyết 43 được Quốc hội thông qua đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).

Các tin khác