Theo thông tin từ Bộ Y tế, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2, hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron.
Tuy nhiên, để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng, Bộ Y tế đã đề Chính phủ xuất xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia ở miền Nam châu Phi. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2.
Xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với COVID-19
Trước sự đe dọa của biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, ngày 29/11, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đó, các địa phương cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.
Đặc biệt, các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.
Liên quan đến biến chủng mới, theo Bộ Y tế, ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Omicron sở hữu số lượng đột biến chưa từng có
Thông cáo của WHO đánh giá biến chủng mới Omicron có thể bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ra mối đe dọa toàn cầu ở mức rất cao và có thể khiến một số khu vực phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
Trong khuyến cáo gửi 194 thành viên của tổ chức, WHO hối thúc cộng đồng quốc tế phải sẵn sàng ứng phó với biến chủng mới, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine cho các nhóm thuộc diện ưu tiên cao và bảo đảm triển khai các kế hoạch đối phó để duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.
Khuyến cáo có đoạn nêu rõ: "Omicron sở hữu số lượng đột biến chưa từng có, một số trong đó liên quan đến tác động tiềm tàng đối với quỹ đạo của đại dịch… Về tổng thể, nguy cơ toàn cầu liên quan đến biến thể mới đáng quan ngại này được đánh giá là rất cao."
Giáo sư Nguyễn Văn Kính - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết đến nay những điều thế giới biết về biến chủng Omicron này còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước Nam châu Phi. Nó có nhiều đột biến hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của virus.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Kính, cả thế giới hiện nay tập trung vào protein gai của virus hay spike protein. Tất cả các biện pháp phòng chống đều tập trung vào spike này, từ sản xuất các sinh phẩm để xét nghiệm đến các thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng thể đơn dòng để trung hòa nó. Việc sản xuất vaccine cũng tập trung vào gai này.
Để phòng biến chủng mới, theo giáo sư Kính: "Virus luôn luôn đột biến, vì thế tuân thủ 5K - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là quan trọng nhất. Bên cạnh đó là vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19, hạn chế tụ tập đông người, hoạt động đông người không cần thiết càng tốt. Đặc biệt thực hiện tốt 5K, nếu biến chủng này xâm nhập thì thực hiện tốt 5K có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch...”
Theo WHO, cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về khả năng Omicron "né tránh" hệ thống bảo vệ mà các vaccine tạo ra cho hệ thống miễn dịch của con người. Báo cáo đầy đủ hơn dự kiến sẽ có trong vài tuần tới.
Đề xuất dừng bay tới một số quốc gia
Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề Chính phủ xuất xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.