Bối rối mua bán chứng khoán cùng phiên

Hiện tại hệ thống của mỗi công ty chứng khoán chỉ giám sát được các giao dịch trong phạm vi của mình mà không thể liên thông sang hệ thống của công ty khác.

Ngày 8-11, Ủy ban Chứng khoán đã xác nhận có tình trạng nhà đầu tư sử dụng các tài khoản khác nhau ở các công ty chứng khoán khác nhau để cùng mua/bán một loại chứng khoán trong ngày.

Thông tư 74 được giới đầu tư coi như một văn bản “cởi trói” khá nhiều vướng mắc lâu nay của thị trường, mà một trong số đó là quy định cho phép cùng mua/bán một loại chứng khoán trong phiên.

Mặc dù vẫn còn khá thất vọng với nhiều quy định chưa được “đả động” đến, nhưng chỉ riêng việc cho phép tận dụng dao động giá trong phiên để kiếm lời, hoặc tạo điều kiện sửa sai nhanh cũng đã là một thay đổi rất lớn trong quy chế giao dịch.

Để lướt sóng cực ngắn trên các dao động trong ngày, nhà đầu tư buộc phải có sẵn cổ phiếu trong tài khoản sẵn sàng bán. Nếu dao động giá được phán đoán theo chiều tăng trước, giảm sau, nhà đầu tư có thể thực hiện bán cổ phiếu có sẵn giá cao, sau đó mua lại ở giá thấp hơn và ngược lại.

Một cơ hội nữa là sửa sai. Chẳng hạn nhà đầu tư mua thêm một số lượng cổ phiếu A nhưng sau đó nhận thấy đó là quyết định sai, thay vì phải chờ cổ phiếu về, nhà đầu tư có thể sửa sai ngay lập tức bằng cách bán luôn số lượng cổ phiếu đang có sẵn, coi như cắt lỗ sớm số lượng cổ phiếu mua hớ.

Việc cho phép mua bán cùng phiên và mở nhiều tài khoản tuy được nhà đầu tư hưởng ứng, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ các quy định cấm vi phạm. Mặt khác, các quy định giữa Thông tư và văn bản hướng dẫn vẫn chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư không rõ hoạt động giao dịch có bị coi là vi phạm hay không.

Một trong những hạn chế của hoạt động giám sát là không có sự liên thông về hệ thống giao dịch giữa các công ty chứng khoán với nhau. Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký chỉ có thể thực hiện hậu kiểm sau khi vi phạm đã xảy ra. Từ đó nảy sinh khả năng nhà đầu tư cố tình vi phạm (vì hệ thống vẫn cho phép thực hiện giao dịch) hoặc nhà đầu tư vô tình vi phạm.

Theo báo cáo sơ bộ hai tháng triển khai Thông tư 74, các sở giao dịch chứng khoán cho biết vẫn có tình trạng nhà đầu tư vi phạm quy định về việc sử dụng các tài khoản giao dịch khác nhau mở tại các công ty chứng khoán để cùng thực hiện mua và bán chứng khoán trong một ngày giao dịch (Điều 8, Thông tư 74).

Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên phổ biến các quy định tại Thông tư 74, đồng thời nghiên cứu đưa vào điều khoản hợp đồng mở tài khoản để nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, các công ty chứng khoán sẽ thống kê cụ thể các vi phạm, phân tích nguyên nhân và kiến nghị các biện pháp hoàn thiện quy định.

Thực tế nhiều ý kiến của nhà đầu tư cho biết vẫn rất bối rối với các quy định về mua bán cùng phiên, đặc biệt là khi có nhiều tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Theo tinh thần hạn chế chặt chẽ trong quy định tại Thông tư 74 và văn bản hướng dẫn, các quy định cấm là nhằm tránh tình trạng giao dịch mà không chuyển quyền sở hữu và tránh hiện tượng thao túng giá. Vậy nhiều trường hợp giao dịch không dẫn đến vi phạm trên có bị cấm hay không?

Chẳng hạn, một nhà đầu tư có hai tài khoản tại hai công ty chứng khoán. Trong một phiên giao dịch, nhà đầu tư cùng đặt 2 lệnh mua một loại cổ phiếu A thì có vi phạm hay không? Công văn hướng dẫn Thông tư 74 quy định: “Nhà đầu tư không được sử dụng các tài khoản khác nhau của mình mở tại các công ty chứng khoán để mua, bán cùng loại chứng khoán trong ngày giao dịch” dễ gây hiểu lầm.

Quy định này nếu hiểu theo ý nghĩa tránh tình trạng lệnh mua trên một tài khoản của nhà đầu tư khớp với chính lệnh bán của nhà đầu tư đó trên tài khoản khác thì chỉ cấm với hai lệnh ngược chiều cùng lúc (và dẫn đến khả năng thao túng giá). Còn việc cùng đặt một loại lệnh (mua hoặc bán) riêng rẽ thì không cấm. Cụ thể, trong một ngày, nhà đầu tư có thể đặt nhiều lệnh cùng chiều trên nhiều tài khoản. Nếu mua/bán ngược chiều thì chỉ được sử dụng 1 tài khoản.

Một trường hợp nữa là quy định chỉ được thực hiện các giao dịch ngược chiều trên cùng một tài khoản có thể làm yếu đi khả năng của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu tư đã bán đi cổ phiếu A trên một tài khoản. Giao dịch thành công. Nhà đầu tư sẽ được phép đặt tiếp lệnh mua lại cổ phiếu A đó trên chính tài khoản đó. Vậy nhà đầu tư có được đặt lệnh mua thêm cổ phiếu A ở tài khoản thứ hai hay không?

Theo Thông tư 74 thì nhà đầu tư chỉ có thể mua lại cổ phiếu A trên chính tài khoản vừa bán. Như vậy quy định vô hình chung đã hạn chế khả năng mua của nhà đầu tư, vì khi đã mở hai tài khoản, nguồn lực chắc chắn bị san sẻ. Mặc dù trong ví dụ trên, khả năng giao dịch mà không thay đổi quyền sở hữu đã được loại bỏ.

Theo một quan chức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc quy định chỉ cho đặt lệnh giao dịch ngược chiều ở một tài khoản là nhằm tránh tình trạng hệ thống ngẫu nhiên khớp lệnh với nhau mà không làm thay đổi quyền sở hữu và rất khó giám sát giao dịch biểu hiện thao túng giá. Các quy định sẽ được xem xét bỏ dần theo thông lệ quốc tế khi vấn đề cơ chế, công nghệ có thể xử lý, giám sát tốt hơn.

Hiện tại hệ thống của mỗi công ty chứng khoán chỉ giám sát được các giao dịch trong phạm vi của mình mà không thể liên thông sang hệ thống của công ty khác. Những vi phạm dù là ngẫu nhiên hay cố tình chỉ có thể được phát hiện ở hệ thống giám sát sau giao dịch. Cơ quan quản lý buộc phải sử dụng cơ chế hậu kiểm và xử lý việc đã rồi.

Báo cáo của các sở giao dịch ghi nhận tình trạng vi phạm quy định giao dịch mua bán cùng phiên một phần vì cách hiểu chưa thống nhất và chưa rõ ràng đối với các quy định. Tình trạng này có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán, thậm chí cả cơ quan quản lý, nếu liên quan đến câu chuyện xử phạt hành chính.

Nên chăng, cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn ví dụ cụ thể hơn để phổ biến thống nhất tới các công ty chứng khoán và nhà đầu tư? Với hạn chế của công nghệ giao dịch hiện tại, nhà đầu tư dù có ý thức tuân thủ nhưng nếu không được giải thích rõ ràng thì vẫn có thể vô tình vi phạm.

Các tin khác