Làn sóng vỡ nợ
Nếu như năm 2019, các công ty phát triển địa ốc Trung Quốc huy động được hơn 83 tỷ USD trái phiếu trong 230 đợt phát hành, thì từ nửa sau năm 2020 đến nay, số vụ vỡ nợ dần tăng nhanh và hơn 100 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp bất động sản đã “bốc hơi”.
Chính sách “3 giới hạn đỏ” và khẩu hiệu “thịnh vượng chung” nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo của Trung Quốc đã đặt ra những tiêu chuẩn mà các công ty địa ốc phải đáp ứng để có thể vay nợ thêm. Đặc biệt, quy trình tập trung cho việc mua đất ở nhiều thành phố khiến chỉ những doanh nghiệp lớn nhất mới có đủ khả năng mua đất dự trữ cho các dự án trong tương lai.
Ban đầu, nhiều người tin rằng, các chính sách mới là cách để Chính phủ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành bất động sản, vốn giữ vai trò như một nguồn tăng trưởng kinh tế chủ chốt. Nhưng rồi, họ nhận ra rằng, thị trường bất động sản đang bị siết chặt kiểm soát, nhất là việc vay nợ, trong bối cảnh khối nợ doanh nghiệp và giá nhà tăng cao.
Thị trường bất động sản Trung Quốc dần lao dốc vì chính sách mới cũng như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tính đến nay, doanh số bán nhà của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 12 tháng liên tiếp.
Vụ vỡ nợ của Evergrande tháng 12/2021 làm dấy lên nỗi lo về sự sụp đổ của ngành địa ốc Trung Quốc, nhưng vụ vỡ nợ 2 tháng trước của Fantasia Holdings Group Co. - một công ty nhỏ hơn nhiều, cũng đã cho thấy tình hình rất tồi tệ.
Công ty này vỡ nợ trái phiếu USD chỉ vài ngày sau khi thanh toán một lô trái phiếu phát hành riêng lẻ và vài tuần trước đó tuyên bố rằng công ty có đủ vốn. Sau Evergrande, nhiều hãng bất động sản lớn khác cũng lâm vào tình trạng vỡ nợ như Fantasia, Kaisa.
Số vụ vỡ nợ trong ngành lập kỷ lục trong năm 2021 (hơn 20 công ty) và được dự báo lập kỷ lục mới trong năm 2022. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, một số công ty phát triển nhà đất thuộc hàng lớn nhất của Trung Quốc đã vỡ nợ tổng cộng 25 tỷ USD.
Sự đình trệ của các dự án bất động sản khiến nhiều người mua nhà ngừng thanh toán, càng khiến chủ đầu tư lao đao.
Nhà đầu tư thua lỗ
Lợi suất trái phiếu bất động sản đang ở mức cao kỷ lục, hơn 25%, nhưng lợi nhuận âm suốt 11 tháng liên tiếp, chuỗi thua lỗ dài kỷ lục, vì giá trái phiếu lao dốc.
Trái phiếu của Evergrande có thời gian đáo hạn năm 2025 từng là một trong những trái phiếu có tính thanh khoản cao nhất và được giao dịch nhiều nhất trên thế giới với thị giá lên tới 1,05 USD/1 USD mệnh giá, nhưng hiện được giao dịch với giá 0,07 USD.
Theo ước tính của Bloomberg, ít nhất 736 tỷ USD nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với khả năng bị tái cơ cấu hoặc giảm giá trị khi được thanh toán cho nhà đầu tư.
Đáng lưu ý, Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch thu hồi những lô đất còn bỏ trống của các công ty bất động sản mất thanh khoản, sau đó đem bán để cấp vốn cho việc hoàn thiện những dự án dang dở. Nếu kế hoạch này được phê chuẩn, các chủ nợ trái phiếu sẽ mất cơ hội lấy lại tiền thông qua một trong những tài sản giá trị nhất của doanh nghiệp địa ốc.
Quỹ đầu tư trái phiếu Trung Quốc lợi suất cao của Công ty Quản lý đầu tư Fidelity International Ltd. lỗ hơn 37% từ đầu năm 2020 đến nay và lượng tài sản mà Quỹ quản lý giảm còn 985 triệu USD, giảm quá nửa so với giữa năm 2021. Tương tự, quỹ đầu tư của Value Partners Group Ltd. lỗ 32%.
Nhiều quỹ đầu tư trái phiếu bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng rút vốn của nhà đầu tư, sau khi hứng chịu thua lỗ nghiêm trọng.
Ngành bất động sản cùng với các ngành liên quan như xây dựng và vật liệu xây dựng hiện chiếm hơn một phần tư GDP Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc đang lên kế hoạch thành lập một quỹ bất động sản nhà nước nhằm giúp các công ty địa ốc vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Ban đầu, Quỹ sẽ có quy mô 80 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 11,7 tỷ USD), trong đó Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đóng góp 50 tỷ Nhân dân tệ, đến từ công cụ cho vay của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.