Bơm vốn, tăng kết nối thị trường: Vực dậy doanh nghiệp sản xuất

(ĐTTCO)-Hơn 200.000 tỷ đồng bơm vào thị trường từ việc nới room tín dụng đã được nhiều ngân hàng gấp rút triển khai. Đây cũng là cơ sở để “giải khát” vốn cho các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong bối cảnh cao điểm cần nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cuối năm và đầu quý 1-2023.
Công ty In ấn Minh Mẫn từng bước gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Công ty In ấn Minh Mẫn từng bước gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Gia tăng cơ hội kết nối thị trường

 Ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, chia sẻ, trong thời gian gần đây, việc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ “khát vốn” diễn ra khá phổ biến. Phải thừa nhận rằng, hiện quy mô phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là nhỏ và siêu nhỏ. Dù đã tham gia hoặc chưa tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp đều rất mỏng.

Từ đầu năm đến nay, những diễn biến tăng giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu… đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc sản xuất hòa vốn. Các doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất để cố gắng giữ chân khách hàng và công nhân. 

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến giao thương với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối. Đơn cử như ngày hội kết nối cung cầu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp FDI diễn ra tháng 9-2022 đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Hơn 700 nhóm sản phẩm, linh kiện, thiết bị cần được cung ứng cũng đã được nhiều doanh nghiệp FDI đưa đến chương trình. Về phía các doanh nghiệp nội cũng tận dụng cơ hội để có thể gia tăng đơn hàng cho mình. 

Gần đây nhất, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam diễn ra đầu tháng 12-2022 đã giúp cho hàng trăm doanh nghiệp trong nước gia tăng đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Hoa Kỳ…

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chia sẻ, những hoạt động xúc tiến giao thương trên đã tạo điều kiện cho hàng trăm doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự. Trong đó, phải kể đến nhiều thương hiệu lớn trên toàn cầu đã có mặt như Spear & Jackson, Onishi, Snap-on, Milwaukee, EGA Master, Knipex, Minh Hòa, Naniwa, Elora, Stabila...

Cũng tại đây, nhiều nhóm ngành hàng có tính ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp từ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, xây dựng cho đến tiêu dùng đã được các doanh nghiệp trưng bày nhằm tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam. 

Đa dạng trợ lực vốn cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, doanh nghiệp muốn tăng tốc sản xuất, gia tăng đơn hàng, mở rộng thị trường nhất thiết phải có nội lực vốn. Nội lực vốn không chỉ tập trung vốn vay ngân hàng mà còn cần đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để vượt khó.

Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp dù muốn vẫn chưa thể vay vốn để đầu tư nâng cấp hoặc mở rộng sản xuất, mà sẽ tập trung vay vốn để giải quyết những đơn hàng xuất khẩu hiện hữu, đơn hàng gấp, hoặc để tăng tỷ lệ nguồn nguyên liệu sản xuất dự trữ ngắn hạn.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, với lãi suất vay hiện đã vượt mức trên 10% thì doanh nghiệp rất đắn đo và hạn chế thấp nhất khoản vốn cần phải vay, dù room tín dụng đã được nới lỏng thêm 1,5%-2% cho toàn hệ thống ngân hàng. Thay vào đó, chính phủ nên giãn nợ thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội… để cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực nội tại nhằm trả lương, thưởng cho công nhân khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Đây cũng là giải pháp cần thiết để giúp doanh nghiệp có thêm cơ sở giữ chân người lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tránh nguy cơ bị gián đoạn sản xuất. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Bộ Công thương cần tổ chức các hoạt động xúc tiến, giao thương với nhiều thị trường trên thế giới, nhất là thị trường xuất khẩu truyền thống, các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do, kết hợp hỗ trợ quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam đến các đối tác toàn cầu.

Đây là cơ sở để doanh nghiệp gia tăng đơn hàng vốn đang bị thiếu hụt do nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm mạnh thời gian qua cũng như thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng mong muốn triển khai hiệu quả Đề án “Trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” mà Chính phủ vừa phê duyệt. 

Theo đó, các bộ ngành trung ương và thành phố gấp rút triển khai các chính sách nhằm đẩy nhanh phát triển số lượng và nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Liên quan đề án, các cơ quan chức năng đang tiến hành phổ biến công nghệ kỹ thuật sản xuất công nghiệp hỗ trợ; trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực chế tạo ở Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống trong quản lý sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ…

Mục tiêu của đề án cũng định rõ phải đảm bảo doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể cung ứng được khoảng 50% nhu cầu nội địa hóa ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế tạo. 

Có thể nói, cùng với việc gia tăng xúc tiến, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, chính là cơ hội để các doanh nghiệp “trở mình” và phát triển sản xuất, mở rộng thị phần; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các tin khác